Triết lý giáo dục đằng sau chế độ “lớp trưởng”

Hầu như không ai nhận ra một vấn đề rất quan trọng trong vụ việc trên, nó cũng chính là nguyên nhân sâu xa cho không ít sự vụ bạo lực học đường trong giáo dụcViệt Nam. Đó là cách thức chúng ta duy trì đội ngũ ban cán sự lớp, mà đứng đầu, đồng thời là nhân vật “quyền lực” nhất trong lớp – lớp trưởng.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ lớp về mặt lý thuyết giáo dục là một biện pháp để nâng cao ý thức lẫn khả năng tự quản của học sinh. Triết lý ẩn chứa trong cách thức tổ chức giáo dục này là tinh thần dân chủ trong giáo dục, xem học sinh là một chủ thể năng động, tích cực, có quyền tham gia vào việc quản lý, điều hành lớp học, nói lên những ý kiến để thay đổi các thể chế, chính sách giáo dục trong nhà trường. 

Đối với cá nhân học sinh, việc tham gia vào các đội ngũ tự quản sẽ giúp các em có cơ hội rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, tổ chức các hoạt động tập thể, giao tiếp với bạn bè, thầy cô và các đối tượng khác, giải quyết vấn đề … Đây đều là những kỹ năng rất cần thiết cho các công dân ở thế kỷ 21 này. 

Như vậy, bản thân việc xây dựng và duy trì đội ngũ tự quản trong lớp học không phải là sai lầm giáo dục nhưng tại sao khi thể chế này khi thực hiện ở trường học Việt Nam thì nảy sinh nhiều tác dụng tiêu cực đến thế?

Trước hết, không thể phủ nhận nhiều trường học và giáo viên đã không ý thức đầy đủ, đúng đắn về ý nghĩa giáo dục và vai trò của đội ngũ tự quản trong lớp học. 

Không ít trường học xem ban cán sự lớp là ‘phương tiện truyền thông’ tức nhận các thông báo, kế hoạch của nhà trường và triển khai cho lớp. Không ít giáo viên xem ban cán sự lớp là ‘cánh tay phải đắc lực’ để giúp việc cho mình, đặc biệt là các em lớp trưởng.

Ở nhiều lớp, khi giáo viên vắng thì lớp trưởng gần như thay mặt cho giáo viên, giữ toàn quyền điều hành, thậm chí cả quyền trách phạt những học sinh khác. Ở cấp 1, nhiều thầy cô giáo chọn những em ‘to con’ hơn bạn cùng trang lứa để làm lớp trưởng. Lý do: các bạn trong lớp nhìn bạn lớp trưởng là sợ. ‘To con’ nên cũng nhiều sức mạnh thể chất, có thể giúp cô phạt khẻ tay bằng thước những bạn nói chuyện trong giờ học, không làm bài tập đầy đủ, chạy nhảy lung tung...‘To con’ nên các bạn lớp trưởng có thể ‘méc tội’ các bạn khác với cô mà không sợ các bạn kia bắt nạt. 

Như vậy, những giá trị giáo dục tốt đẹp của việc duy trì thủ lĩnh hay đội ngũ tự quản trong lớp đã bị bỏ qua, mà chỉ tận dụng cách thức này cho các mục đích không chính đáng. Bởi nhận thức về vai trò của thủ lĩnh và đội ngũ tự quản không đúng đắn nên nhiều giáo viên cũng không tập trung bồi dưỡng các kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, tổ chức, giải quyết vấn đề…cho lực lượng này. Từ đó, nhiều học sinh khi nắm giữ các chức vụ này cũng nhận thức sai lầm về vai trò của chính mình, ảo tưởng sức mạnh và quyền hạn, giống trường hợp cô bé lớp trưởng ở Trà Vinh.

Đã đến lúc, các trường học ở Việt Nam nên xem xét lại cách thức tổ chức các đội ngũ tự quản trong lớp học. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của các trường học Anh, Úc, Phần Lan…trong việc này. 

Đó là không nhất thiết phải có ban cán sự với các lớp trưởng, lớp phó, tổ trưởng cố định mà cho phép các học sinh trong lớp luân phiên thay đổi, ai cũng có cơ hội trải nghiệm ở vị trí lãnh đạo, vừa rèn các kỹ năng như đề cập ở trên, vừa gia tăng sự tự tin, tinh thần trách nhiệm đối với tập thể, đồng thời giảm nguy cơ ‘chế độ độc tài’ của ban cán sự trong lớp học như hiện nay. 

Ở cấp trường, có thể thành lập Hội đồng học sinh với các ứng viên uy tín được đề cử từ các lớp, sau đó bình bầu công khai và hoạt động độc lập. Hội đồng sẽ đại diện cho tiếng nói của học sinh, trình bày tâm tư nguyện vọng, đề xuất các ý kiến của học sinh với nhà trường.

Giáo dục phải luôn vận động và thay đổi. Những cách thức tổ chức bộc lộ nhiều nhược điểm thì chúng ta phải mạnh dạn thay bằng những cách thức mới tiến bộ hơn. Chế độ ban cán sự cố định với nhiều quyền hạn và trách nhiệm như hiện nay là một trong những điều chúng ta nên thay đổi càng sớm càng tốt.

NguyễnThị Thu Huyền (Giảng viên khoa Tâm lý- Giáo dục, ĐH Sư phạm TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm