Trẻ nghỉ học quá lâu, phụ huynh vật vã vừa làm vừa trông con

Anh Nguyễn Tuấn Nam (Hoài Đức, Hà Nội), cho biết gia đình có 3 con nhỏ, trong đó 2 cháu đang độ tuổi học mầm non và một cháu học lớp 1. Từ 30-4-2021 đến nay, hai cháu nhỏ phải tạm nghỉ học để bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Phải nghỉ việc ở nhà trông con

Thời gian trước, vợ chồng anh được làm việc online nên cũng thuận tiện kết hợp vừa làm vừa trông con. Nhưng khi quay trở lại làm việc trực tiếp, hai vợ chồng anh chị khá vất vả.

Việc nhiều trẻ mầm non phải nghỉ học quá lâu khiến nhiều phụ huynh vất vả và lo lắng. Ảnh minh họa

“Nhiều lần chúng tôi phải chia nhau chở các con lên cơ quan rồi chiều lại chở về. Điều này thật sự khá bất tiện bởi các cháu hiếu động, làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh, nhưng thật sự không còn cách nào khác.

Cũng có đợt gia đình tôi phải gửi con lớn về quê nhờ ông bà hỗ trợ, ngặt nỗi sau đó con phải học online. Ông bà không biết công nghệ, không thể giúp gì được, tôi lại phải đưa cháu lên Hà Nội để kèm cặp” - anh Nam chia sẻ.

Cũng theo anh Nam, với đồng lương eo hẹp chỉ đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng như gia đình anh hiện tại, thì việc thuê người trông trẻ là điều hơi “xa xỉ”. Vì vậy, vợ chồng anh đang cố gắng hết sức bằng việc lên thời khóa biểu tỉ mỉ, để có thể bảo đảm công việc của cơ quan, vừa lo cho gia đình thời gian này.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Luyến (Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con nhỏ, hơn nửa năm nay mọi sinh hoạt hàng ngày đến công việc của gia đình chị bị đảo lộn từ khi các con phải tạm dừng đến trường. Thậm chí chị Luyến phải xin nghỉ việc để ở nhà chăm con.

“Năm học tới con trai lớn vào lớp 1, nhưng năm vừa rồi nghỉ dịch ở nhà quá lâu không được tới trường khiến cho việc rèn luyện cháu rất khó khăn do chúng tôi đều không có kỹ năng sư phạm. Trước đây khi được đến trường thì về nhà cháu rất ngoan, sau thời gian dài ở nhà cháu trở nên bướng bỉnh, tính tình thay đổi khác lạ khiến tôi rất lo lắng" - chị Luyến nói.

Ở trường trẻ được học rất nhiều

"Nhiều phụ huynh cho rằng cho trẻ đi học mầm non chủ yếu để các con có chỗ vui chơi, còn bố mẹ có thời gian làm việc. Nhưng không phải, ở trường các con học được rất nhiều thứ từ nề nếp, kĩ năng, ý thức đến cách giao tiếp" - Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, ở trong không gian hẹp quá lâu, ít được ra ngoài vận động, cộng thêm việc xem ti vi, điện thoại nhiều sẽ khiến tỉ lệ trẻ bị cận thị tăng cao. Thậm chí nhiều trẻ có biểu hiện bất thường, không làm chủ được cảm xúc, khiến phụ huynh lo lắng. Nhưng thực tế trẻ không hề bị bệnh lí nào.

Từ đó, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đưa ra lời khuyên, phụ huynh phải sắp xếp thời khóa biểu chặt chẽ, không chỉ cho cha mẹ mà cho cả trẻ nhỏ, giờ giấc học đến việc chơi phải khoa học. Nên cho trẻ dậy sớm, tranh thủ ra ngoài hít thở không khí trong lành, tập thể dục khi chưa có nhiều người để các con bớt tù túng.

Bên cạnh đó, bố mẹ có thể rèn luyện một số kĩ năng sống cho con bằng việc dạy trẻ một số công việc đơn giản trong gia đình, phù hợp với độ tuổi để trẻ đi vào nề nếp, tự giác hơn trong cuộc sống cũng như việc học tập của mình sau này.

“Vào cuối tuần, bố mẹ nên tạo trò chơi và chơi cùng với các con tạo sự đầm ấm, hòa đồng cho các con. Tuy nhiên, nếu trẻ có biểu hiện bất thường về tâm lí, cha mẹ vẫn nên theo dõi và đưa tới chuyên gia để được thăm khám, tư vấn”- bà Hương nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm