Trả giáo dục về cho cuộc đời?!

Vị lãnh đạo Trường ĐH Phan Châu Trinh nhấn mạnh: “Vô hiệu hóa điều đó (gian lận thi cử) bằng những đề thi tự luận... Những đề thi (này) không có chỗ cho mấy anh học vẹt hay quay cóp...”.

Để giải thích cho luận điểm này, nhà văn cho rằng với các đề tự luận thì không có đáp án chung và khi thi cần để học trò thoải mái tra cứu tài liệu, sử dụng… Google (công cụ tìm kiếm trên mạng).

Luận giải cho quan điểm của mình, nhà văn dẫn chứng ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến “trong đề thi của họ, tôi thấy còn ghi kèm các công thức toán - là những thứ mà sau này nếu quên người ta có thể tra Google, không sao hết. Học sử, chẳng hạn điều quan trọng hơn hết theo tôi là làm sao qua đó mình nắm bắt được các quy luật lịch sử, hiểu được lẽ đời thông qua thế sự trầm luân... Ghi ơn các anh hùng, vĩ nhân, theo tôi không nhất thiết phải bằng việc nhớ các vị ấy sinh năm nào, đánh bao nhiêu trận… mà quan trọng hơn cả là hiểu được tầm vóc tư tưởng và những đóng góp để đời của họ…” - nhà văn Nguyên Ngọc nói.

Thoạt nghe quan điểm này rất có thể nhiều người sẽ phản đối, song nếu quy chiếu theo quan điểm xem con người là thành phẩm của giáo dục lại thấy: Chính những học trò biết lựa chọn phương án đúng trong nhiều phương án thì mới đích thực là ưu tú, chứ không phải là những học trò chỉ biết chọn phương án có sẵn trong đáp án.

Vì thế quan điểm giáo dục ở các nước phát triển luôn đặt học trò làm trung tâm, luôn đề cao sự lựa chọn của chúng khi đã cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết. Chẳng hạn như với bài toán từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm quận 1, các nền giáo dục tiên tiến không đưa ra đáp án cứng (với lộ trình và phương tiện được chỉ định) nhằm đánh đố học trò, mà cung cấp tài liệu cho chúng rằng đang có những loại phương tiện công cộng gì chờ ngoài cửa sân bay; các loại giá cước; những con đường và độ dài có thể về quận 1; những nguy cơ tắc đường… Dĩ nhiên với cách thi cử như thế sẽ có hàng chục đáp án khác nhau với hàng chục cách giải thích khác nhau, tùy theo nhận thức, tính toán và điều kiện, hoàn cảnh từng em.

Nhìn rộng ra thì cuộc sống cũng thế, không có bài toán (công việc, sinh hoạt) nào chỉ có một lời giải mà có hàng trăm lời giải, vấn đề là học trò chọn lời giải nào và tại sao mà thôi. Vì thế “trả giáo dục về cho cuộc đời” như ý kiến nhà văn Nguyên Ngọc dù có thể gây tranh cãi nhưng ít nhất nó cũng tránh được quay cóp, sâu xa hơn nó sẽ đưa đến những con người biết tư duy độc lập, tự tìm đường đi cho riêng mình!

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm