TP.HCM: Trường tiểu học tìm mọi cách để dạy trực tuyến

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP.HCM, ngày 8-9, học sinh (HS) tiểu học sẽ làm quen lớp, thầy cô mới, củng cố kiến thức. Từ ngày 20-9, các em sẽ bắt đầu năm học mới với hình thức học trực tuyến.

Học sinh Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn học online trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh trong năm học 2020-2021. Ảnh: PHCC

Khảo sát việc học trực tuyến

SĐể tạo thuận lợi cho việc dạy học trực tuyến trong tình hình dịch bệnh phức tạp, theo chỉ đạo của ngành giáo dục, các trường tiểu học đã thực hiện khảo sát lấy ý kiến về điều kiện học trực tuyến đối với từng gia đình phụ huynh.

Một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Nở (TP Thủ Đức) cho biết chị vừa hoàn thành phiếu khảo sát của trường liên quan đến việc học trực tuyến. Giáo viên (GV) chủ nhiệm đưa lên Zalo lớp và đề nghị phụ huynh bình chọn về các vấn đề như HS có điều kiện tham gia học trực tuyến, HS không có điều kiện tham gia học trực tuyến và những HS về quê, chưa quay lại TP Thủ Đức.

“Đây là việc làm cần thiết để trường nắm bắt được tình hình HS cũng như các gia đình trong việc triển khai dạy học online sắp tới” - vị phụ huynh này nói.

Bà Mỹ Linh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Nở, cho biết đây là chủ trương chung của ngành giáo dục. Qua khảo sát, trong 1.888 HS, trường có 140 em không thể tham gia học trực tuyến. Đối với những em này, GV sẽ liên hệ trực tiếp với phụ huynh để hỗ trợ như gửi bài cho các em. Hoặc GV sẽ làm những phiếu bài tập, đăng tải trên website của trường hoặc Zalo để phụ huynh hướng dẫn các em làm. Sau khi đi học tập trung, những em này sẽ được dạy phụ đạo, củng cố kiến thức.

“Trường chủ yếu dạy trực tuyến các môn toán, tiếng Việt, khoa học, lịch sử, địa lý. Còn buổi chiều, các em sẽ được học thêm tiếng Anh. Ví dụ, khối 2 học tiếng Anh vào chiều thứ Hai, thứ Ba sẽ là khối 3 và cứ tiếp tục như thế. Thời gian học, sáng từ 8 giờ đến 10 giờ, chiều từ 2 giờ đến 3 giờ” - bà Linh nói.

Tương tự, bà Nguyễn Kim Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Hiền (TP Thủ Đức), cũng cho biết trường vừa hoàn thành xong phiếu khảo sát và gửi báo cáo về cho Phòng GD&ĐT.

Đến thời điểm này, trường đang tập huấn GV về các phương án dạy học trực tuyến. Sắp tới, trường sẽ họp phụ huynh để hướng dẫn cách học và hỗ trợ con trong quá trình học. “Việc học trực tuyến cả ngày đối với HS tiểu học, đặc biệt lớp 1, 2 sẽ khó có hiệu quả. Do đó, nhà trường sẽ tổ chức dạy trong khoảng thời gian thích hợp. Tôi lo nhất lớp 1, vì các em vừa vào môi trường mới đã phải học online, sợ các em bỡ ngỡ” - bà Thành nói thêm.

Cùng với TP Thủ Đức, các trường tiểu học tại quận, huyện khác cũng đã thực hiện xong phiếu khảo sát việc học trực tuyến. Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận Gò Vấp), chia sẻ thời điểm này GV đang triển khai các phương án dạy học. Bên cạnh đó, GV các lớp liên hệ với từng phụ huynh, lập group Zalo trao đổi, nắm bắt tình hình để chuẩn bị cho việc học sắp tới.

Học qua Internet chỉ tập trung một số môn

Sở GD&ĐT TP.HCM cũng vừa có hướng dẫn tổ chức dạy học trên môi trường Internet đối với cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn.

Trường học phải xây dựng kế hoạch dạy học trên môi trường Internet qua cổng thông tin điện tử của trường, kế hoạch dạy học trực tuyến phải bám sát kế hoạch giáo dục của trường và kế hoạch môn học, tập trung cho các môn học sau.

Cụ thể, khối lớp 1, 2, 3 chủ yếu dạy tiếng Việt, toán, ngoại ngữ (môn tự chọn đối với lớp 1, 2 chỉ nên khuyến khích, tùy điều kiện thực tế và thỏa thuận với phụ huynh, không bắt buộc). Khối lớp 4, 5 tập trung các môn tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử, địa lý.

Trong tuần đầu của năm học mới, các trường hướng dẫn HS phương pháp học tập trên môi trường Internet, hướng dẫn cho cha mẹ HS phương pháp hỗ trợ việc học. Tùy theo điều kiện cho phép, các trường có thể tổ chức thêm các môn học và hoạt động giáo dục khác trực tuyến dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh. Tuy nhiên, nhà trường cần sắp xếp thời gian và thời lượng của các tiết học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của HS, đảm bảo không làm cho HS bị quá tải.

Trường học khuyến khích GV dạy học bằng hình thức trực tuyến, có tương tác giữa GV và HS, chú trọng dạy học phân hóa, tích hợp và tích cực. Trong quá trình tương tác, GV đánh giá HS bằng nhiều hình thức phù hợp. Đối với các khối lớp có HS còn khó khăn thì có thể thiết kế qua tin nhắn ứng dụng OTT (như Skype, Facebook, Zalo, Viber), qua thư điện tử, các phương tiện khác hoặc in sao trên giấy, gửi đến phụ huynh.•

 

Đối với HS lớp 1, 2, GV cần tăng cường tương tác thời gian thực, gần gũi, thân thiện với HS, kết hợp nhiều hoạt động học tập xen lẫn vui chơi, vận động với thời lượng phù hợp để tạo hứng thú cho các em.

TP.HCM đề xuất kéo dài năm học, đặc biệt khối lớp 1, 2, 3

Tại hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 28-8, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết do ảnh hưởng của dịch nên TP không thể bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tiếp. Do đó, các bậc học phải triển khai học trực tuyến. Cụ thể, HS bậc trung học sẽ làm quen lớp vào ngày 1-9, ngày 6-9 bắt đầu năm học mới. HS bậc tiểu học sẽ làm quen lớp từ ngày 8-9 và ngày 20-9 bắt đầu học. Riêng bậc học mầm non sẽ học muộn hơn.

TP cũng lên kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình và tổ chức dạy trực tiếp ngay khi có điều kiện. Tuy nhiên, dịch bệnh có thể kéo dài, phương pháp dạy học trực tuyến không thể thay thế hoàn toàn việc học trực tiếp. Vì thế, TP.HCM kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét việc kéo dài thời gian năm học để đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt các khối lớp nhỏ 1, 2, 3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm