TP.HCM: Trường học chủ động tổ chức tiết đọc sách

Mới đây, tại tọa đàm “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”, do Sở TT&TT TP.HCM, phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở cho biết sẽ kiến nghị thí điểm tiết đọc sách tại các trường ở TP.HCM.

Một tiết đọc sách của học sinh trường tiểu học Mê Linh, quận 3.

Theo ông Lương, việc đưa hoạt động đọc sách thường xuyên đầu giờ, có tiết đọc sách cố định tuần đầu, đầu tháng là giải pháp cho việc tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT TP.HCM tham mưu cho UBND TP.HCM tổ chức thí điểm các tiết đọc sách trong các trường công lập trên địa bàn TP. “Cần tôn vinh những người đọc sách như một cách nêu gương. Ở Úc, học sinh tiểu học được đánh giá thông qua việc đọc sách hàng năm và bang sẽ khen thưởng lớn, thậm chí có khi liên bang cũng tặng bằng khen là ví dụ", ông Lương nhấn mạnh.

Theo tìm hiểu của phóng viên PLO, hiện nay tại TP.HCM, có một số trường đã thiết kế tiết đọc sách, trong đó có trường tiểu học Mê Linh, quận 3.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường tiểu học Mê Linh, quận 3 cho biết nhận thấy yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng văn hóa đọc và rèn kỹ năng đọc sách cho học sinh trong nhà trường, Ban đại diện cha mẹ học sinh và Hội đồng sư phạm trường đã xây dựng một phòng đọc sách với kinh phí từ nguồn xã hội hóa. Mỗi lớp có một kệ để sách phục vụ cho việc đọc sách của học sinh trong lớp. Đặc biệt mỗi tuần nhà trường đều có một tiết đọc sách chính khóa.

Học trò chăm chú đọc sách.

Theo ông Hùng, đến tiết đọc sách, học sinh sẽ xuống thư viện chọn cuốn sách mà mình yêu thích mang lên lớp đọc cùng các bạn. Vào giờ sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên sẽ tổ chức hoạt động giới thiệu, kể nội dung sách mà các em đã đọc. Sau đó, cô sẽ ghi nhận số lượng quyển sách của từng học sinh đã đọc, qua đó có sự tổng kết khen thưởng vào cuối năm học. Mặt khác, nhà trường còn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, khuyến khích học sinh đọc sách ít nhất mỗi học kỳ 1 cuốn sách, chú trọng khuyến khích học sinh đọc sách song ngữ.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức hoạt động tuyên truyền cho học sinh giới thiệu sách trong các giờ chào cờ đầu tuần. Tại đây, các em sẽ thảo luận nội dung sách, thi vẽ tranh theo sách, thi vui đọc sách, kể chuyện theo sách, sắm vai nhân vật….Từ đó, giúp các em phát triển nhu cầu và hứng thú đọc một cách lành mạnh.

Sau một thời gian thực hiện, văn hóa đọc của học sinh đang hình thành và phát triển với những dấu hiệu tích cực.

“Một số em đã bắt đầu có ý thức về mục đích đọc sách, biết tìm đến những cuốn sách có nội dung tốt. Trong quá trình đọc, nhiều em đã biết trao đổi với giáo viên về những ý kiến liên quan đến nội dung sách. Các em cũng đã có những hành vi ứng xử có văn hóa đối với sách, báo, có ý thức giữ gìn sách cẩn thận”, ông Hùng nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.