TP.HCM đề xuất hành lang pháp lý triển khai trường tự chủ

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đã phát biểu như trên tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 diễn ra vào sáng 6-8.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho biết trong năm học 2018-2019, TP đã đưa vào sử dụng 977 phòng học (tăng 691 phòng học mới) với tổng kinh phí 2.729.425 triệu đồng. Chuẩn bị cho năm học 2019-2020, TP tiếp tục hoàn chỉnh và dự kiến đưa vào hoạt động 1.364 phòng học mới.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM (bìa phải), phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Với quyết tâm không để học sinh nào bỏ học vì lý do không có tiền đóng học phí, TP đã triển khai các quy định về chính sách miễn giảm và hỗ trợ chi phí học tập, tập trung hỗ trợ cho con em hộ nghèo đi học. Chính sách miễn giảm của TP, ngoài học phí, còn được áp dụng cho cả chi phí tổ chức học buổi 2 và áp dụng chuẩn nghèo của TP.

HĐND TP đã ban hành Nghị quyết số 25/2018/NQ-HĐND ngày 7-12-2018 về điều chỉnh giảm mức thu học phí đối với cấp THCS bằng mức tối thiểu của Nghị định 86/2015/NĐ-CP (60.000 đồng/tháng cho học sinh THCS nội thành và 30.000 đồng/tháng cho học sinh ngoại thành) và bắt đầu áp dụng từ năm học 2019-2020.

Công tác thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP.HCM được diễn ra nghiêm túc. TP.HCM tiếp tục nằm trong tốp 10 địa phương có kết quả thi tốt nhất, có điểm trung bình các môn thi xếp thứ năm cả nước (tăng bốn bậc so với năm 2018), giảm gần 1/4 (25%) số học sinh có điểm thi dưới 5 so với năm trước.

Đặc biệt, môn tiếng Anh, TP tiếp tục năm thứ ba liên tiếp có kết quả cao nhất cả nước với điểm trung bình 5,78. Điều này hoàn toàn phù hợp với những nỗ lực mà giáo dục TP đã thực hiện nhằm đạt được mục tiêu hội nhập.

Tuy nhiên, do đặc thù của một đô thị trung tâm nên TP.HCM cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, ông Lê Thanh Liêm đề nghị các bộ, ngành trung ương quan tâm, tháo gỡ thêm, cụ thể:

Đề nghị sớm điều chỉnh Thông tư liên tịch 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quy định cơ cấu tổ chức, bộ máy của các Sở GD&ĐT tỉnh, TP và các Phòng GD&ĐT quận, huyện,… phù hợp với Luật Chính quyền địa phương.

Theo Nghị định 24, TP.HCM được một giám đốc Sở GD&ĐT và bốn phó giám đốc Sở. Tuy nhiên, trong Thông tư 11 chỉ đề cập có ba vị trí phó giám đốc Sở. Trong khi đó, TP.HCM từ mầm non đến THPT số học sinh gần 1,6 triệu. Đây là áp lực lớn đối với đội ngũ quản lý. Đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ quan tâm.

Đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để tiến hành thí điểm mô hình trường tự chủ, nhất là trong lĩnh vực tài chính và nhân sự. Đây là giải pháp hữu hiệu để thực hiện việc tinh giảm biên chế, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa tham gia đầu tư, hỗ trợ cho việc phát triển giáo dục.

Trong thời gian qua, việc tạm dừng tuyển kế toán và y tế trường học gây nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Đây là đội ngũ quan trọng, cần thiết trong các nhà trường. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT nên quan tâm, nghiên cứu bổ sung biên chế đối với giáo viên tư vấn tâm lý và giám thị cho các nhà trường; giúp tăng cường công tác quản lý học sinh, đảm bảo các điều kiện để học sinh phát triển cân bằng trong môi trường an toàn, thân thiện.

Đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm hơn đến định biên và chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tin học cấp tiểu học. Trong thời đại hội nhập và để chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những giáo viên này hết sức cần thiết. Việc chưa có định biên hay chế độ tính tiết nghĩa vụ 23 tiết/tuần đối với giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học sẽ không thể thu hút được những thầy cô giáo giỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm