TP.HCM chuẩn bị nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi

“Nhận giữ trẻ 6-18 tháng tuổi là việc không đơn giản, đòi hỏi kế hoạch phải chặt chẽ, trách nhiệm cao nhưng nếu có quyết tâm, chúng ta sẽ làm được” - bà Chung Bích Phượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết. Hiện ngành giáo dục quận này đang xây dựng kế hoạch và lộ trình nhận giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi.

Ráo riết chuẩn bị

Quận Tân Phú đã chọn hai trường mầm non (MN) Hoa Anh Đào (Tân Thành) và Phượng Hồng (Phú Trung) để thí điểm. Mỗi trường sẽ mở một lớp với 12 trẻ. Theo bà Phượng, quận chọn một trường thường và một trường đạt chuẩn quốc gia để dễ có sự so sánh, rút kinh nghiệm. Nếu thuận lợi, quận sẽ nhân rộng ở cả hai loại hình trường cho những năm sau. Quận cũng tính toán lộ trình nhận trẻ theo bốn đợt để giáo viên quen dần, sau đó sẽ nhận đủ số trẻ.

Thủ Đức là quận duy nhất chọn đến ba trường để làm thí điểm. Đó là MN Linh Xuân (đáp ứng nhu cầu cho công nhân của KCN Linh Trung 1), MN Hoa Mai (KCN Linh Trung 2) và MN Hiệp Bình Chánh 4. Mỗi trường sẽ mở hai nhóm lớp 6-12 tháng tuổi và 13-18 tháng tuổi. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Thủ Đức, cho biết phòng đã cùng các trường chọn giáo viên có nhiều kinh nghiệm, trách nhiệm và thương yêu trẻ để chuẩn bị tập huấn. Đồng thời, các trường đang chuẩn bị phòng ốc, nhân sự… để tuyển sinh.

Giữ trẻ 6-18 tháng tuổi tại lớp MN tư thục Nam Long (quận 7). Năm học tới quận 7 sẽ nhân rộng các lớp giữ trẻ nhóm tuổi này. Ảnh: P.ANH

Tại quận 7, Trường MN 19/5 (phường Tân Thuận Đông) là trường duy nhất của quận được chọn làm thí điểm. Quận đã dự trù kinh phí khoảng 155 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị. Quận đã lên danh sách nhân sự cả trường công và ngoài công lập để tập huấn chuyên môn nhằm để các trường có thể tự xây dựng kế hoạch nhận trẻ nếu có điều kiện. Sắp tới, quận cũng đang chờ ghi vốn để chuẩn bị khởi công năm trường MN mới với tổng kinh phí khoảng 266 tỉ đồng, trong đó có một trường thuộc KCN Tân Thuận. Những dự án này đã được thiết kế các phòng chức năng đặc thù để có thể tiếp nhận trẻ từ sáu tháng tuổi sau khi hoàn thành.

Vừa làm vừa gỡ khó

Ngay khi vừa xây dựng kế hoạch, chọn trường thí điểm, quận Tân Phú đã gặp không ít khó khăn. “Mới nghe thí điểm, giáo viên và ban giám hiệu lo lắng lắm vì chưa có nhiều kinh nghiệm. Chăm trẻ ở độ tuổi này đòi hỏi tính an toàn cao, đầu tư lớn, chăm sóc phức tạp nên họ ngại trách nhiệm. Chúng tôi phải liên tục xuống trường làm công tác tư tưởng, động viên chị em. Đến khi bắt tay vào làm, chúng tôi mới thực sự thấy khó, phòng ốc làm sao, nhận trẻ thế nào…” - bà Chung Bích Phượng chia sẻ.

Theo bà Phượng, khó khăn chính là thiếu giáo viên MN nhưng để chuẩn bị tốt cho nhóm trẻ 6-18 tháng tuổi, hai trường thí điểm phải ưu tiên chọn những giáo viên có kinh nghiệm nhất trong chăm sóc trẻ nhỏ. Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, phòng đã lên kế hoạch tuyển giáo viên và ưu tiên cho hai trường thí điểm này.

 Về những khó khăn khi triển khai, bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh, cũng chia sẻ: “Địa bàn huyện phức tạp về dân nhập cư, trường lớp đều nhỏ lẻ, không có phòng ốc được thiết kế cho trẻ dưới 18 tháng, đội ngũ giáo viên chưa có kinh nghiệm nên ai cũng lo lắng”. Huyện Bình Chánh quyết định chọn trường MN đang xây dựng tại xã Vĩnh Lộc A, nơi đông dân cư nhất, để thí điểm. Dự kiến tháng 8 sẽ khánh thành và nhận trẻ.

Quận Bình Tân chịu không ít áp lực với gần 10.000 trẻ 6-18 tháng tuổi, chủ yếu con em của gia đình lao động nghèo. Ngay đầu năm 2014, quận đã quyết định chọn ba trường MN để xây dựng kế hoạch nhận trẻ nhóm tuổi này. Đó là MN Hương Sen (Bình Trị Đông B), Hoa Hồng (An Lạc) và trường ngoài công lập Mặt Trời Nhỏ. Quận đã có kế hoạch mở nhiều lớp tập huấn trong hè này, bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức cho giáo viên công lập và tư thục.

PHẠM ANH

Đối tượng nào được nhận?

Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn tùy theo điều kiện và nhu cầu thực tế, các quận, huyện tự xây dựng tiêu chí nhận trẻ vào nhưng phải phục vụ tối đa cho con em của công nhân, lao động nghèo, con cán bộ nhà nước thuộc gia đình thật sự khó khăn về điều kiện chăm sóc trẻ tại nhà…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm