Tinh giản chương trình phổ thông

Dự thảo đề án về chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015 đã được đưa ra xin ý kiến Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, ngày 25-2. Nhiều hạn chế, bất cập đã được thẳng thắn nhìn nhận.

Cụ thể, chương trình bị cắt khúc giữa ba cấp tiểu học, THCS và THPT. Chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”; chưa coi trọng hoạt động tự học, chưa phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh. Chương trình chủ yếu trang bị kiến thức mà chưa chú trọng giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng học tập suốt đời.

Số môn học bắt buộc của mỗi lớp, cấp học còn quá nhiều. Nội dung một số môn thiếu thiết thực; trùng lặp, thiếu cân đối giữa lý thuyết - thực hành, dung lượng - thời lượng. Nhìn chung SGK còn nhiều thuật ngữ trừu tượng, nội dung có phần ôm đồm, nặng nề với đa số học sinh. Chương trình giáo dục chưa chú trọng tính liên thông giữa các cấp học, gây khó cho việc phân luồng ở bậc THPT...

Tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với từng lứa tuổi là mục tiêu của đề án đổi mới nội dung giáo dục phổ thông. Ảnh: HTD

Để khắc phục, đề án yêu cầu đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với từng lứa tuổi. Chương trình giáo dục phổ thông sẽ được xây dựng lại theo hướng chín năm đầu là bắt buộc, còn ba năm tiếp theo là tiếp cận nghề nghiệp.

Phương pháp giáo dục đổi mới theo hướng tập trung dạy cách học, cách nghĩ, phương pháp tự học, khả năng hợp tác, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đa dạng hóa hình thức tổ chức học tập, chú ý hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học, thay vì chỉ học tập trung trên lớp như lâu nay.

Góp ý cho đề án này, ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: “Chúng ta không thể tư duy theo cách xây dựng một chương trình giáo dục để bắt các em thành thiên tài hết. Thay vì tập trung trang bị kiến thức, chương trình mới phải hướng tới xây dựng năng lực nhận thức, trách nhiệm công dân, làm người. Đấy mới là thứ mà học sinh thiếu chứ kiến thức thì lên Google là có thể bổ khuyết được”.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng cho rằng để khắc phục yếu kém của nền giáo dục vốn tích tụ từ nhiều năm, các đề án, chương trình hành động của Chính phủ cần chọn điểm ưu tiên. Trong đó cần đặc biệt chú trọng kiểm soát chất lượng đầu ra. “Kinh nghiệm thế giới, vào đại học rất thoải mái nhưng kiểm định chất lượng ở từng khâu tới tốt nghiệp rất chặt chẽ” - ông nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị trước hết phải đổi mới hệ thống. “Trên thế giới chỉ có vài ba hệ thống giáo dục phổ thông, đã rất khoa học, hợp lý rồi. Ta nên mạnh dạn lựa chọn hệ thống phù hợp với đặc thù Việt Nam. Như thế, bước tiếp theo là xây dựng chương trình, SGK sẽ thuận lợi hơn” - ông nói.

NGHĨA NHÂN

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục lắng nghe ý kiến chuyên gia, đảm bảo việc đổi mới tới đây tiến từng bước vững chắc, cơ bản.

Về hoạt động của hội đồng - cơ quan tư vấn của Chính phủ về giáo dục đào tạo, Thủ tướng yêu cầu mở rộng thêm thành phần tham gia, gồm đông đảo chuyên gia, nhà giáo dục. Cần đổi mới cơ chế làm việc để lắng nghe nhiều hơn ý kiến tư vấn, phản biện.

Theo yêu cầu từ Nghị quyết 29, tới đây sẽ thành lập Ủy ban Quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo, do Thủ tướng đứng đầu. Khác với hội đồng là tổ chức tư vấn, phản biện, ủy ban sẽ là tổ chức chỉ đạo, điều hành trực tiếp việc đổi mới giáo dục.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm