Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các trường ĐH-CĐ

Phát biểu tại lễ khai giảng, Thủ tướng đánh giá cao ĐH Quốc gia Hà Nội đã tích cực đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH và sau ĐH, chủ động xây dựng phương án tuyển sinh tiên tiến bằng một bài thi tổng hợp để đánh giá toàn diện năng lực người học. “Tôi hoan nghênh và đề nghị ĐH Quốc gia Hà Nội chủ động làm việc với Bộ GD&ĐT để triển khai thực hiện phương án tuyển sinh này” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá cao ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong ba đơn vị dẫn đầu cả nước về các công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế. Năm 2014, được Tổ chức xếp hạng đại học uy tín trên thế giới (QS) xếp vào nhóm 161 các đại học hàng đầu Châu Á, trong đó ba lĩnh vực: Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội và quản lý; Công nghệ và kỹ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm 100 trường hàng đầu Châu Á.

Thủ tướng đề nghị, trong năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng các trường ĐH-CĐ trong cả nước cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, đổi mới quản trị đại học, chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nền giáo dục đại học, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp trong đó thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học được coi là khâu quyết định, là yếu tố đột phá. Trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, chủ động, năng động, trí tuệ, tài năng của tập thể lãnh đạo, của các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, tích cực thực hiện vững chắc quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ đào tạo, bộ máy tổ chức - cán bộ, về tiền lương, thu nhập, về chi thường xuyên, chi đầu tư... tạo động lực và điều kiện để phát triển nhanh và bền vững.

Hai là, tiếp tục đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo chuẩn đầu ra, phát huy đến mức cao nhất tính chủ động, sáng tạo của người học, bảo đảm chất lượng thực chất đáp ứng nhu cầu xã hội và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thực hiện phân tầng chất lượng các ngành/chuyên ngành để ưu tiên đầu tư có trọng tâm trọng điểm, thu học phí theo đặc thù và chất lượng ngành học. Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, hợp tác triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, thu hút người nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Việt Nam. Ứng dụng mạnh mẽ, sâu rộng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học. Tập trung triển khai thành công và hiệu quả đề án đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học theo phương thức đánh giá toàn diện năng lực người học.

Ba là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu khoa học có chất lượng, đủ khả năng ứng dụng, giải quyết các vấn đề quan trọng của quốc gia, của các ngành, các địa phương. Hoạt động khoa học và công nghệ phải đóng vai trò chủ đạo để phát triển đại học nghiên cứu, phát triển các nguồn lực, nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của đại học Việt Nam. Gắn kết chặt chẽ hơn nữa công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, gắn hoạt động của nhà trường với các doanh nghiệp và thực tế đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh - đối ngoại và hội nhập quốc tế. Giảng viên đại học phải đồng thời là nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đi tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ Quốc.

Bốn là, triển khai mạnh mẽ các giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam tiên tiến, nhân văn, đạt chuẩn quốc tế. Chính phủ đang hoàn thiện và sẽ sớm thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp - nhất là tạo điều kiện để các Trường đại học tự chủ - chủ động trong việc thu hút các giảng viên, nhà khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước đến giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học; đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, các nhà khoa học tâm huyết, tài năng, có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp chung của đất nước.

Năm là, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, hệ thống học liệu đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động sáng tạo của các thầy giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên. Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, trước mắt Nhà trường cần có các giải pháp hợp lý để nâng cấp, cải tạo, phát triển cơ sở vật chất tại các quận nội thành Hà Nội, đảm bảo thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ thường xuyên, đồng thời cần khẩn trương, tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Ban Quản lý dự án xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc để đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án, phấn đấu trong 5 năm tới có thể chuyển được 2-3 trường đại học thành viên lên địa điểm mới và sớm đưa Đại học Việt - Nhật đi vào hoạt động. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm