Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đau xót vì một câu chuyện ở miền núi

Chiều 16-11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh có buổi gặp thân mật 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2020.

Tại đây, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã lắng nghe được nhiều chia sẻ của các thầy cô. Cô Lê Thị Thu Trang, giáo viên Trường Tiểu học và THCS EaTrol (Sông Hinh, Phú Yên) bày tỏ, hiện nay học sinh ít biết về truyền thống văn hóa của dân tộc.

“Tại Sông Hinh, người Êđê, Bana có một kho tàng văn hóa hết sức đồ sộ, quý giá, như văn hóa cồng chiêng, các lễ hội truyền thống… nhưng học sinh người Êđê, Bana rất ít biết đánh cồng chiêng; ít biết hát dân ca hoặc sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình"- cô Trang nói.

Cũng theo cô Trang, các em gần như không biết các nghề truyền thống như dệt vải, đan lát, làm rượu cần... Như vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số sau này sẽ gặp khó khăn.

Cô Lê Thị Trang chia sẻ tại buổi gặp gỡ. Ảnh: V.T

Cô Trang cho biết thêm, có những năm tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, không phải vì kinh tế khó khăn mà vì nhận thức còn hạn chế của gia đình, bản thân các em về việc học tập. Điều này khiến giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong giảng dạy, vận động học sinh đến trường.

Cô Trần Thị Bích Thu là người dân tộc Cơ tu hiện đang giảng dạy tại một trường mầm non thuộc xã Hòa Bắc, Hòa Vang (Đà Nẵng) thì đem đến câu chuyện, dù trẻ được hưởng chế độ dinh dưỡng tốt ở trường, nhưng thể trạng các em còn nhỏ bé bởi đa số cha mẹ trẻ làm nương rẫy, điều kiện khó khăn, chưa thường xuyên tổ chức được bữa ăn đủ dinh dưỡng cho trẻ tại nhà.

“Dinh dưỡng rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Đây là vấn đề tôi trăn trở và rất mong trẻ dân tộc Cơ tu nói riêng, trẻ em vùng kinh tế xã hội khó khăn nói chung được hỗ trợ để có thể nâng cao thể trạng, từ đó phát triển tốt hơn” – cô Thu mong mỏi.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của các thầy cô, Thứ trưởng Ngô Thị Minh mong các thầy cô tiếp tục nỗ lực, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó, đặc biệt trong giai đoạn ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh (phải) tại buổi gặp gỡ. Ảnh: V.T

Thứ trưởng Minh cũng kể một câu chuyện thực tế của mình trong một chuyến thăm tại một địa phương. Tại đây, cô được nghe câu chuyện của một nữ giáo viên trẻ mới về trường, nơi cô dạy có rất nhiều học sinh bỏ học, mỗi lần như thế cô lại phải đến tận nhà từng em để động viên.

“Cô kể lần đó cô đến nhà một em học sinh, lúc đó bố em đang uống rượu. Bố em hỏi cô rằng lương cô được bao nhiêu. Cô giáo đáp vì là giáo viên trẻ nên cô chỉ được 900 ngàn đồng tiền lương. Bố học sinh bảo con tôi bỏ học đi bán vé số cũng được 1,5 triệu. Nói xong bố học sinh mời cô giáo ra khỏi nhà”- Thứ trưởng Minh kể.

Theo Thứ trưởng Minh, những câu chuyện như vậy làm cho bản thân bà cảm thấy rất đau xót. Nhân dịp này, Thứ trưởng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&DTD cho 63 thầy cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm