Thót tim vì điểm xét tuyển ‘nhảy múa’

Các thí sinh và phụ huynh nhận định có thể đây là “ngày hạ nhiệt” vì thế họ tiếp tục cập nhật dữ liệu xét tuyển từ các trường ngày cuối rồi mới chốt nộp hồ sơ vào ngày 19-8.

Căn điểm đến ngày cuối

11 giờ trưa cùng ngày, số thí sinh vãn dần nhưng anh Lâm nhà ở quận 7, TP.HCM vẫn nấn ná. Anh ngồi ở hành lang hướng về khu vực tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Anh cho biết: Gần 20 ngày qua anh đã dành hết thời gian theo dõi diễn biến. Càng về sau ngồi nhà không yên nên anh tới trường để quan sát, nghe ngóng thêm thông tin.

Anh bảo tổng điểm của con anh gần 33 điểm, nguyện vọng vào ngành ngôn ngữ Anh, lúc đầu cả nhà đều phấn khởi vì điểm thi của con khá cao nhưng càng về sau mặt bằng điểm càng cao nên rất lo lắng. Đỉnh điểm là dữ liệu cập nhật của trường công bố ngày 17-8, điểm chuẩn tạm thời của ngành này vượt quá 31 điểm khiến mức điểm của con anh chạm ngưỡng không an toàn, sự hồi hộp tăng lên bội phần. Lo lỡ cơ hội, cha con anh phân công con ở nhà cập nhật điểm thi trên web của trường, cha trực tiếp đến  trường quan sát, nhận định tình hình số thí sinh nộp vào nhiều hay ít, điểm cao hay thấp để tính đường nộp hồ sơ.

Tại TP Hà Nội, sáng 18-8, thí sinh Nguyễn Thế Giang đến tìm hiểu thông tin để nộp hồ sơ vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Giang cho biết em được 26,25 điểm, có nguyện vọng nộp vào ngành kế toán, tuy nhiên mấy ngày qua vẫn theo dõi thông tin điểm số của trường mà chưa nộp. “Em sợ không đỗ, lúc đó sẽ mất công rút ra, nộp vào. Để khi nào chắc chắn thì em nộp, hồ sơ em đã hoàn thành. Dự kiến sáng 19 em sẽ nộp hồ sơ vào trường” - Giang cho biết.

Thí sinh rút hồ sơ tại các trường ĐH không còn tình cảnh rồng rắn như lúc nộp hồ sơ. Ảnh: H.HÀ

Cuộc soán ngôi về điểm số ở trường tốp giữa

PGS-TS Nguyễn Hữu Lập, người phát ngôn Học viện Bưu chính Viễn thông Hà Nội, cho biết đến thời điểm này học viện đã dư rất nhiều so với chỉ tiêu vào trường. Trong những ngày qua có khoảng 300 em đến rút hồ sơ nhưng cũng có khoảng 300 em nộp vào. “Những thí sinh nộp vào là những thí sinh điểm cao, không đỗ ở các trường tốp 1 nộp vào đây. Do điểm chuẩn dự kiến  tương đối cao nên những thí sinh điểm thấp sẽ phải rút ra” - ông Lập cho biết. Theo ông Lập, mức điểm chuẩn dự kiến vào trường tăng cao so với những ngày đầu. Có ngành điểm chuẩn tăng 3-4 điểm so với điểm chuẩn thời điểm đầu. Ông Lập dự báo hôm nay và ngày mai (20-8) thí sinh đến rút và nộp hồ sơ ở các trường sẽ nhiều.

ThS Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Hà Nội, cho biết những ngày gần đây có khoảng 50-100 em đến nộp hồ sơ vào và cũng có từng ấy em đến rút hồ sơ ra. “Nhiều em điểm cao không đỗ các trường tốp trên đến nộp hồ sơ vào. Bên cạnh đó có nhiều em cảm thấy khả năng ở lại khó đến rút hồ sơ ra” - ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, do hồ sơ nộp-rút vào trường luôn biến động theo ngày nên điểm chuẩn vào trường vẫn khó dự đoán. Tuy nhiên, với việc nhiều thí sinh điểm cao nộp vào trường trong những ngày vừa qua phần nào dẫn đến việc xáo trộn về điểm số giữa những thí sinh. “Một thí sinh điểm cao nộp vào sẽ làm cho thứ hạng thay đổi. Sẽ có thí sinh trước đó đỗ nhưng nay có thí sinh khác vào nên trượt. Rồi nó còn ảnh hưởng đến các ngành khác vì mỗi thí sinh được đăng ký bốn nguyện vọng, không đỗ ngành này sẽ xét sang ngành khác. Không khác gì rút dây động rừng, vì vậy sẽ có nhiều xáo trộn” - ông Hạnh ví von.

Trong khi đó, một trong những trường vẫn lèo tèo thí sinh đến nộp hồ sơ như Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, ĐH Thăng Long thì hy vọng những ngày cuối sẽ có một lượng thí sinh không đỗ ở các trường tốp trên đến nộp hồ sơ.

“Chúng tôi hy vọng các em có tầm điểm mấp mé các trường tốp 1 nhưng không đỗ sẽ đến trường nộp trong những ngày cuối. Bởi khi các em không vào được trường tốp 1 sẽ dồn xuống nhưng hiện tại dồn xuống cũng chưa nhiều. Tuy nhiên, số lượng đến bao nhiêu thì rất khó đoán và không chủ động được” - Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải, nói.

Bên cạnh việc có nhiều thí sinh ở khu vực miền Bắc, miền Trung có điểm số tương đối cao bắt đầu tìm kiếm cơ hội tại các trường ĐH phía Nam cũng sẽ khiến cho điểm số các trường phía Nam thay đổi.

Hồ sơ nộp, rút không biến động nhiều

TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thông tin những ngày cuối số thí sinh nộp và rút hồ sơ đã hạ nhiệt và không có nhiều biến động. Hiện trường đang chờ thêm số hồ sơ đăng ký xét tuyển qua đường bưu điện và sở GD&ĐT các địa phương chuyển về trước ngày 20-8. Theo đó ngày 22-8, trường sẽ gút danh sách thí sinh trúng tuyển và điều chỉnh các sai sót, ưu tiên để ngày 23-8 sẽ công bố danh sách khoảng 4.000 thí sinh trúng tuyển vào trường.

TS Lê Ngọc Tứ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết số thí sinh nộp và rút hồ sơ không còn nhộn nhịp như trước, một phần do điểm ngày càng tăng cao. Tính tổng thể số hồ sơ đã rút khoảng 3.500, tuy nhiên hiện vẫn còn khoảng 2.000 hồ sơ thấp hơn điểm chuẩn tạm thời thí sinh vẫn chưa rút so với chỉ tiêu tuyển sinh của trường 3.300.

Ông Tứ nhận định hai ngày cuối sẽ không có nhiều đột biến về số thí sinh đến rút hồ sơ, ngoài ra vẫn còn một số hồ sơ gửi qua đường bưu điện và điều chỉnh nguyện vọng qua sở GD&ĐT tại các địa phương cũng không nhiều, do mặt bằng điểm của trường đẩy lên khá cao. Trong đó các ngành sư phạm “hot” toán, lý, hóa, tiếng Anh điểm dao động từ 32,75 đến 34,17; thấp nhất là ngành giáo dục chính trị 16 điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm