Thị trường lao động ASEAN nhiều cơ hội, lắm thách thức

Ngày 31-12-2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành với quy mô hơn 600 triệu dân. Các chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, doanh nghiệp và các nhà quản lý lao động đánh giá sự hội nhập này sẽ tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức đối với lao động trong nước về trình độ chuyên môn, tác phong, thái độ và trình độ ngoại ngữ.

Mơ hồ định hướng nghề nghiệp

Để làm việc tại các quốc gia thành viên ASEAN, người lao động trong tám ngành nghề gồm: kỹ sư, kế toán, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, y tá, điều dưỡng, vận chuyển và dịch vụ phải thỏa mãn các điều kiện về bằng cấp, giấy phép hành nghề của quốc gia mình và quốc gia mong muốn đến làm việc cũng như những yêu cầu về kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn. Cụ thể nghề bác sĩ đòi hỏi phải có bằng ĐH, có giấy phép hành nghề còn hiệu lực của quốc gia người lao động, có ít nhất năm năm liên tục hành nghề ở vị trí bác sĩ đa khoa hay chuyên khoa tại quốc gia mình. Tương tự, nghề kỹ sư đòi hỏi phải có bằng ĐH, có giấy phép hành nghề còn hiệu lực của quốc gia người lao động, ít nhất bảy năm sau khi tốt nghiệp và ít nhất hai năm làm công việc chuyên ngành.

Ngoài ra mỗi ngành nghề sẽ có những yêu cầu về bằng cấp, giấy phép hành nghề và kinh nghiệm làm việc đòi hỏi người lao động phải tìm hiểu kỹ càng nếu có nguyện vọng làm việc tại các nước thành viên ASEAN.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, đánh giá Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, dịch vụ và việc làm. Theo đó, nhu cầu việc làm trong các ngành xây dựng, vận tải, dệt may và chế biến thực phẩm sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Sự hội nhập này sẽ tác động nhanh và trực tiếp đến thị trường lao động Việt Nam khiến nhiều ngành nghề biến động, lao động dịch chuyển giữa các ngành.

Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành sẽ tạo nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho lao động trong nước. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Tuấn nhìn nhận việc gia nhập cộng đồng AEC tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động trong nước. Qua đó đòi hỏi các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề cải tiến quy trình đào tạo nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng tâm tư tại các cuộc thi tay nghề ASEAN gần đây, lao động Việt Nam thường đạt thứ hạng khá cao. Nhưng hầu hết doanh nghiệp của nhiều ngành nghề đều kêu thiếu trầm trọng lao động có kỹ năng, tay nghề. Điều này cho thấy định hướng nghề nghiệp là một thứ còn rất mơ hồ đối với lực lượng lao động trẻ. “Nhiều em thật sự chưa hình dung ra cộng đồng này sẽ như thế nào và phải chuẩn bị những gì. Cứ cho rằng học cho xong rồi sau này xin việc ở một doanh nghiệp trong nước chứ cũng chưa nghĩ đến chuyện sẽ làm việc ở quốc gia khác” - ông Tuấn chia sẻ.

Nhiều cơ hội, nhưng...

Ở góc nhìn của cơ sở đào tạo nghề, ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Ánh Sáng, lạc quan đánh giá đây là cơ hội tốt để nguồn nhân lực của Việt Nam, đặc biệt lao động trẻ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm tại các nước trong khu vực, thay vì xoay xở tìm việc trong nước.

Theo ông Sáng, trường đào tạo ba trong số tám nghề (điều dưỡng, y sĩ, kế toán) được tự do di chuyển lao động trong cộng đồng AEC. Trong đó chất lượng tay nghề và kỹ năng làm việc, kỹ năng ứng xử lâu nay được nhà trường quán triệt nghiêm ngặt. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất đối với sinh viên Việt Nam là năng lực ngoại ngữ như tiếng Anh còn hạn chế, dù nhà trường đã có định hướng về cơ hội việc làm tại các nước ASEAN từ hai năm trước. Riêng ngành kế toán, ông Sáng cho rằng ngoài chuyên môn ngành này cần thành thạo vi tính và năng lực ngoại ngữ.

Ông Trần Anh Tuấn cho rằng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu ở lao động giá rẻ với các ngành dệt may, da giày và một số nông sản như hồ tiêu, cà phê, thủy-hải sản. Đồng thời, phát huy thế mạnh nguồn lao động chất lượng cao trong nước như công nghệ thông tin, điện tử bưu chính viễn thông. Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý quá trình hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm nhưng đồng thời cũng đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với người lao động, các tiêu chí tuyển dụng đòi hỏi cao hơn. Cụ thể người lao động phải có nhiều kỹ năng ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khi tham gia AEC, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025. Theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2014, số người trong độ tuổi lao động của nước ta là 47,52 triệu người, tỉ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây, trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Thị trường lao động dồi dào, nhu cầu lao động có tay nghề ngày càng gia tăng là cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong bối cảnh tự do luân chuyển thị trường lao động.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2014, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á. Năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á-Thái Bình Dương.

_________________________________

Nói trắng ra có đến 70% nhân lực chưa trang bị tốt về chuyên môn cũng như các kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Ngoài ra một số ngành nghề đang mất cân đối giữa các cấp đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm