Thi THPT quốc gia: Giữ thang điểm 10

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại tọa đàm góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 do Bộ GD&ĐT và báo Thanh Niên phối hợp tổ chức chiều 22-1.

Lúng túng xét tuyển

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết đến chiều 21-1, ĐH Quốc gia còn họp để thảo luận về quy chế này và vẫn còn nhiều băn khoăn. Được biết để tổ chức kỳ thi này, TP.HCM có đến tám cụm thi nên ban chỉ đạo kỳ thi sẽ rất lớn. Liệu với quy chế này, ban chỉ đạo kỳ thi ở Hà Nội và TP.HCM có quá to hay không. Bộ cũng nên lưu ý đến việc đăng ký dự thi đối với những thí sinh tự do, đăng ký ở nơi tạm trú hay thường trú để các em khỏi lúng túng.

“Các trường thành viên của chúng tôi đang rất lúng túng vấn đề xét tuyển sau khi có kết quả thi. Mỗi thí sinh nhận được bốn phiếu đăng ký xét tuyển thì theo chúng tôi mỗi giấy chỉ nên xét vào một trường để tránh tình trạng thí sinh ảo” - ông Nghĩa nói.

Cũng xung quanh vấn đề xét tuyển, đại diện Trường ĐH Công nghiệp góp ý trong dự thảo của Bộ có một điểm rất quan trọng là thí sinh đã trúng tuyển vào một trường ở đợt một thì không được nộp xét tuyển ở các đợt tiếp theo. Tuy nhiên, để làm được điều này phải có phần mềm quản lý trên toàn quốc, nếu thí sinh đã trúng tuyển vào một trường thì em này sẽ bị khóa ngay quyền xét tuyển vào trường khác. Kèm theo đó, Bộ phải quy định hình thức xử lý đối với những thí sinh cố tình vi phạm cũng như việc các trường nhận thí sinh đã trúng tuyển ở trường khác. Đây là lưu ý rất quan trọng với thí sinh và cũng nhằm hạn chế lượng thí sinh ảo.

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, phát biểu tại buổi tọa đàm chiều 22-1. Ảnh: P.ANH

Cần sớm công bố cấu trúc đề thi

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất tại buổi tọa đàm. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, hiện nay các trường phổ thông đang rất mù mờ và lo lắng về đề thi năm nay sẽ như thế nào. Các trường chỉ mới được thông tin là đề thi năm nay “giống như” năm ngoái. Cái “giống” này rất nguy hiểm, giống so với đề thi ĐH-CĐ hay giống với đề thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể như môn địa lý, năm ngoái thi tốt nghiệp các em được mang Atlat vào, còn thi ĐH thì không được. Vì vậy, Bộ nên sớm công bố cụ thể cấu trúc thi từng bộ môn để các trường và học sinh (HS) yên tâm.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng cho rằng hiện các giáo viên đang rất lo lắng vì không biết ôn thi cho HS theo hướng như thế nào. Bộ nên quy định cụ thể cấu trúc từng môn thi và những lưu ý liên quan của môn đó khi các em đi thi. Có như thế giáo viên và HS mới tập trung ôn tập chính xác và hiệu quả.

Sớm đưa lên mạng cấu trúc đề thi

Trả lời những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh nhằm thay đổi cách dạy, cách học, nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời lấy quyền lợi của HS làm trung tâm.

Về thang điểm, để tránh sự xáo trộn và bỡ ngỡ, Bộ sẽ tiếp thu theo hướng giữ thang điểm 10 để tránh có những băn khoăn của dư luận xã hội. Đối với thí sinh tự do, các em có thể đăng ký dự thi ở bất cứ đâu tiện cho các em nhất như nơi tạm trú, thường trú, nơi đi nghỉ mát… Về cấu trúc đề thi, sẽ có câu dễ, khó, câu vừa, từ đó làm cơ sở cho hai việc là xét tốt nghiệp và tuyển sinh. Về cấu trúc đề thi, Bộ sẽ đưa lên mạng một số dạng đề, câu hỏi để giáo viên và HS nắm. Về vấn đề Atlat trong môn địa lý, Bộ sẽ sửa theo tinh thần cho HS mang Atlat vào phòng thi. Tuy nhiên, cho mang theo hay không thì Bộ cũng ra đề theo dạng để HS phân tích, hiểu vấn đề chứ không bắt các em học thuộc lòng. Sau mỗi đợt xét tuyển nếu thiếu các trường sẽ được tuyển tiếp. Việc các trường tuyển dư vài chỉ tiêu ngoài ý muốn hoặc quá 5% sẽ không vấn đề gì nhưng nếu lạm dụng để vi phạm thì Bộ sẽ xử lý nghiêm.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các địa phương để có thể cân nhắc, hoàn chỉnh quy chế này. Thời gian chính thức công bố quy chế dự tính vào 10 ngày đầu của tháng 2-2015.

Nên giữ hai cụm thi (cụm do trường ĐH chủ trì và cụm do địa phương chủ trì - PV) như dự thảo. Tuy nhiên, Bộ không nên quy định những thí sinh dự thi ở tỉnh không được đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ vì như thế sẽ làm mất cơ hội của các em. Dù các em thi ở đâu các em vẫn có quyền nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường ĐH mà các em muốn.

TS Nguyễn Đức Nghĩa,
Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM

Về cụm thi, Bộ vẫn giữ cụm thi ở các tỉnh để thuận lợi cho những em muốn thi tốt nghiệp nhưng không muốn xét tuyển vào các trường ĐH. Tuy nhiên, nếu trường ĐH-CĐ nào muốn tuyển những em thi ở cụm này, Bộ rất hoan nghênh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm