Thí sinh chuộng ngành việc nhẹ, lương cao

Đến thời điểm này, hầu hết các trường ĐH, CĐ đã nắm được số lượng thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển vào từng ngành học theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, điều khiến một số trường không khỏi bất ngờ là số lượng nguyện vọng (NV) đăng ký giảm mạnh so với những năm trước, nhất là khối ngành về kỹ thuật.

Chuộng ngành kinh tế, né kỹ thuật

Thông tin từ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cho thấy tổng số NV đăng ký vào trường năm nay đạt 15.533/1.400 chỉ tiêu, giảm khoảng 10.000 NV so với năm 2019.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của trường, cho biết số lượng NV so với chỉ tiêu tuyển thì không giảm. Tuy nhiên, việc giảm này thể hiện rõ rệt theo nhóm ngành.

Theo đó, nhóm ngành tăng lên là kinh tế - dịch vụ, quản trị kinh doanh, quản trị dịch vụ nhà hàng, kinh doanh quốc tế... Còn nhóm các ngành công nghệ như công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu, khoa học thủy sản,... chiếm số lượng rất ít, chỉ từ 26, 27 hồ sơ.

Tương tự, nếu năm 2019 Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có khoảng 50.000 NV đăng ký thì năm nay số này giảm gần một nửa. Trong đó, số TS đăng ký nhiều nhất ở NV1 là ngành quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ sinh học… Tuy nhiên, một số ngành như hệ thống thông tin quản lý, kỹ thuật môi trường, kinh tế xây dựng… lại có số đăng ký thấp hơn chỉ tiêu.

Ngược lại, tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, năm nay có khoảng 60.000 NV đăng ký xét tuyển.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, các ngành có số lượng TS quan tâm nhiều nhất theo thứ tự gồm: Công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử…

Tuy nhiên, một số ngành có số TS đăng ký ở NV1 chưa bằng chỉ tiêu, thậm chí chỉ đếm trên đầu ngón tay như ngành công nghệ vật liệu mới (hệ đại trà) chỉ có một TS, ngành thiết kế thời trang (hệ chất lượng cao) có hai TS, công nghệ kỹ thuật nhiệt và ngành công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng đều có  ba TS... Một số ngành khác cũng rất thấp như kỹ nghệ gỗ và nội thất, công nghệ kỹ thuật môi trường, hệ thống kỹ thuật công trình xây dựng...

Tương tự, tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tổng NV đăng ký năm nay tăng nhẹ so với năm 2019. Ông Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết năm nay nhóm ngành TS chuộng nhất dịch chuyển mạnh sang khối kinh tế như quản trị kinh doanh, du lịch lữ hành, kế toán kiểm toán... Hoặc ở khối công nghệ, chủ yếu là công nghệ ô tô, công nghệ thông tin.

Ngược lại, nhóm ngành ít TS đăng ký là môi trường, khoa học thực phẩm, khoa học dữ liệu, cơ khí, điện - điện tử....

Thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành học của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Tìm cách đổi tên ngành hoặc sẽ bỏ bớt ngành học

Lý giải về việc chênh lệch giữa các ngành, PGS-TS Đỗ Văn Dũng cho rằng những ngành ít TS đăng ký nhu cầu xã hội vẫn rất lớn nhưng có thể các em chưa hiểu về nghề nghiệp, sợ những ngành ra trường khó xin việc làm hoặc sẽ vất vả.

Được biết, cũng vì nhiều năm khó tuyển dẫn đến điểm chuẩn thấp nên năm nay trường này cũng đã ngừng tuyển sinh ngành công nghệ vật liệu dệt may và kỹ thuật nữ công.

Còn theo ông Nguyễn Trung Nhân, giải pháp của trường chủ yếu chỉ tăng cường tư vấn, định hướng cho TS nhưng quyền lựa chọn vẫn do các em. Có lẽ các em nghĩ học kinh tế sẽ nhẹ nhàng trong khi thực tế, nhu cầu lao động ở nhóm ngành kỹ thuật rất lớn. Hằng năm, nhiều doanh nghiệp khối kỹ thuật đến gửi thư tuyển dụng với mức lương khởi điểm 500-700 USD mà trường không có nguồn cung cấp.

Không chỉ ĐH, ngay cả tại trường CĐ, những nhóm ngành về kỹ thuật cũng rất khó tuyển. Như tại Trường CĐ Kỹ nghệ 2 (quận 9, TP.HCM) có ngành hàn, xử lý nước thải công nghiệp... dù những ngành này nhà trường áp dụng chính sách giảm 70%-100% học phí.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường, nhu cầu xã hội còn nhiều nhưng TS ngại chọn vì sợ cực, khó làm việc. Do đó, trường dự tính sẽ đổi tên khác cho mới và hấp dẫn để thu hút TS hơn.

ThS Phạm Thái Sơn cho rằng các em thích kinh tế hơn vì mong muốn làm những việc ở các thành phố lớn, thích làm ở những công ty thương mại, dịch vụ hơn làm ở các nhà máy, các xưởng sản xuất.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, các ngành kỹ thuật đang dần ít đi cũng đáng báo động vì các ngành này đang rất thiếu. Đặc biệt là các ngành đòi hỏi phải đi xa. “Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang rất cần nhân sự, các em đi thực tập ở đó với mức lương cũng hậu hĩnh nhưng thực tập xong lại bỏ đi làm kinh doanh với mức lương ít hơn. Hay các ngành như thủy sản, môi trường, công nghệ vật liệu,... cũng vì khó tuyển nên có xu hướng dần biến mất dù nhu cầu nhân lực luôn cao” - ThS Sơn nói.

Theo ông Sơn, những ngành khó hút TS nên bỏ hoặc nên đổi tên thành những ngành nghề khác, có kiến thức tương tự như vậy nhưng phải áp dụng công nghệ mới vào giảng dạy. Như ngành thủy sản có thể ghép và biến đổi thành ngành công nghệ thực phẩm... để tuyển sinh được và giảng viên cũng có việc làm.

Thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ giảm

Theo thống kê từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), năm 2020, cả nước có hơn 900.000 TS dự thi tốt nghiệp THPT.

Trong đó, có hơn 71% số TS đăng ký dự thi có đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ, giảm hơn so với năm 2019 (74,01%).

TS được một lần điều chỉnh NV xét tuyển sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mỗi TS chỉ được điều chỉnh bằng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Dự kiến kết quả thi sẽ được công bố trước ngày 27-8. Từ ngày 9 đến 18-9, TS có thể điều chỉnh, thay đổi các NV đã đăng ký. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm