Thầy trò quyết biến hóa học thành… son môi

Từ những kiến thức đã học, học sinh khối 12, Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM đã tự chế biến ra bộ sản phẩm dầu dừa và đem bán. Điều đặc biệt, số tiền các em kiếm được lại được góp vào quỹ học bổng “Hóa học xúc tác yêu thương” giúp đỡ bạn nghèo.

Gian nan nhưng được học rất nhiều từ thực tế

“Tụi mình có các sản phẩm như dưỡng môi, dưỡng tóc, chuốt mi. Bạn mua giùm mình nhé!”. Cứ gặp bất cứ bạn học nào, Lỹ Ngọc Kim Ngân, học sinh lớp 12 C12 cũng niềm nở mời chào như thế. Ngân là một trong các thành viên thuộc dự án “Sản xuất dầu dừa” của tổ hóa nhà trường.

Theo Ngân, khi tham gia dự án, em mới biết rằng để sản xuất ra một lọ dầu dừa phải mất rất nhiều thời gian và công sức. “Từ việc lựa chọn nguyên liệu đến quá trình chế biến dầu sao cho đạt chất lượng, lọc dầu sao cho không bị cặn, rồi lên ý tưởng bao bì sản phẩm sao cho đẹp, logo sao cho bắt mắt đều rất gian nan, cần nhiều kỹ thuật, kiến thức và sự kiên nhẫn. “Đã có những lúc nhóm bất đồng ý kiến nhưng sau nhiều tranh cãi, chúng em lại tìm ra được đâu là logo đẹp nhất” - Ngân nói.

Cô Đỗ Thị Việt Phương, tổ trưởng tổ hóa, cho biết: “Dự án sản xuất dầu dừa theo phương pháp tiếp cận định hướng STEM đã được tôi đưa ra và cùng các giáo viên tổ hóa thực hiện trong năm học 2017-2018, sau đó có những cải tiến và phát triển ở năm học 2018-2019. Năm nay sản phẩm sẽ hướng đến sự chuyên nghiệp khi có sự cải tiến về mẫu mã và bao bì sản phẩm”.

“Sở dĩ tôi thực hiện dự án trên vì trong chương trình hóa học lớp 12 có bài về este lipit nói về chất béo thực vật và động vật. Trong đó, dầu dừa là một chất béo thực vật được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống. Vì thế tôi quyết định sẽ để học sinh tự làm ra dầu dừa từ những kiến thức đã học” - cô Phương nói.

Cô Đỗ Thị Việt Phương cùng các học trò thực hiện dự án sản xuất dầu dừa. Ảnh: NVCC.  Ảnh nhỏ: Sản phẩm của nhóm.

Theo cô Phương, sau khi học xong bài học về este lipit, 15 lớp khối 12 sẽ được học thêm một tiết hướng dẫn về quy trình, cách chế tạo dầu dừa do các thầy cô trong tổ môn hóa dạy. Từ đó 15 lớp, mỗi lớp 10 nhóm, mỗi nhóm gồm bốn học sinh sẽ tự sản xuất một bộ sản phẩm dầu dừa bao gồm: Sản phẩm dưỡng tóc, dưỡng môi và dưỡng mi. Sản phẩm sẽ được thiết kế bao bì, in logo, có tờ rơi kèm theo và được đóng gói giống như một sản phẩm thực sự bán ngoài thị trường. Và các nhóm phải quay lại một clip về toàn bộ quá trình sản xuất dầu dừa của mình. Tất cả yếu tố trên là tiêu chí để giáo viên bộ môn đánh giá, cho điểm học sinh.

“Thay vì những bài kiểm tra khô khan với những công thức khó nhớ thì với việc trải nghiệm thực tế để làm ra sản phẩm là tiêu chí để tôi chấm điểm cho học trò. Điều đặc biệt, các sản phẩm của các em sau khi thực hiện xong sẽ được đem bán lấy tiền gây quỹ học bổng “Hóa học xúc tác yêu thương” giúp đỡ bạn nghèo vượt khó. Vì thế, học trò đều hào hứng tham gia. Và đây là năm thứ hai dự án tiếp tục triển khai, ở mùa đầu tiên dự án đã trao 14 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó” - cô Phương phấn khởi cho hay.

Chỉ mất 15.000 đồng nhưng tràn đầy niềm vui

Với 150 bộ sản phẩm, nhóm học sinh đã bán được với số tiền gần 16 triệu đồng. Số tiền này sẽ được dùng để trao học bổng cho các bạn học sinh nghèo vượt khó trong trường. “Đây là điều em cảm thấy hạnh phúc nhất khi được đồng hành cùng dự án” - Vũ Ngọc Trường Huy, học sinh lớp 12 C14, chia sẻ.

Huy tâm sự nhóm em gồm bốn bạn, để có thể tạo ra một bộ sản phẩm như cô yêu cầu, nhóm chỉ góp mỗi người 15.000-20.000 đồng. Số tiền rất là nhỏ nhưng lại có ý nghĩa rất lớn. Và đặc biệt khi tham gia dự án, em đã học được rất nhiều điều.

“Sau khi nhận sản phẩm từ học sinh, tôi cùng các em chụp lại toàn bộ sản phẩm và đưa lên trang Facebook để bán. Với mục đích số tiền bán được sẽ dùng giúp đỡ bạn nghèo nên có nhiều giáo viên và học sinh ủng hộ. Có học trò từng nhận được học bổng từ năm ngoái, năm nay đã đăng ký mua rất nhiều sản phẩm và em còn gửi lời cám ơn mọi người vì một việc làm hết sức nhân văn. Bản thân tôi là người nhận đơn, đóng gói hàng, còn một nhóm học sinh chuyên giao hàng sau giờ học. Công việc tuy vất vả nhưng cô trò đều cảm thấy vui vì việc làm góp phần lan tỏa yêu thương” - cô Phương tâm tình.

Nhiều lợi ích với cách học từ dự án

Có vài người thắc mắc khi thấy học trò lớp 12 làm những sản phẩm trên vì nó làm mất nhiều thời gian trong khi các em đang cần tập trung cho kỳ thi cuối cấp. Với tôi, học từ dự án cũng là một cách học hay, nó giúp các em nắm chắc kiến thức, gắn kiến thức với thực tiễn và học thêm được nhiều kỹ năng sống. Hơn nữa, dự án này mang tính cộng đồng, vì thế khi bước ra đời, các em sẽ biết chia sẻ, thương yêu người khác hơn.

 ĐỖ THỊ VIỆT PHƯƠNGtổ trưởng tổ hóa, Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm