Thầy trò bỏ trường vì sợ sập, 2 cấp học chung khi nhà vệ sinh xuống cấp

Trao đổi với PLO.VN, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Lệ (Quan Hóa)-  thầy Lê Trí Trường cho biết: “Từ năm 2012 một số điểm trường lẽ ở các bản đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, rạn nứt nghiêm trọng tại các góc tường khác nhau, trong đó có điểm trường bản Đuốm.

Thời điểm đó, nhà trường đã có báo cáo lên chính quyền xã Phú Lệ và lãnh đạo huyện Quan Hóa cần sớm có phương án đảm bảo an toàn cho các em học sinh. Sau đó, có đoàn của huyện Quan Hóa lên khảo sát đánh giá nhưng rồi đợi mãi vẫn không thấy hồi âm những kiến nghị của nhà trường.

Mãi đến năm 2018, tại điểm trường lẻ bản Đuốm (Phú Lệ) đã cho xây các cột trụ bằng gạch để chống sập nhưng dường như vẫn không đảm bảo an toàn trong công tác dạy và học của cô trò nơi điểm trường này nên chính quyền địa phương cho chuyển ra học khu chính.

Một dãy nhà Trường Tiểu học Phú Lệ (Quan Hóa) xuống cấp giờ đã trở thành nơi nuôi bò. Ảnh: Đ. TRUNG

Tuy nhiên, cũng trong năm 2018, trận lũ lịch sử đã khiến ngôi trường 2 tầng xuống cấp nghiêm trọng, rạn nứt khắp nơi, nguy cơ mất an toàn cao. Nhưng trong năm học 2018-2019, nhà trường và học sinh vẫn cố gắng khắc phục dạy và học dù nguy hiểm cận kề.

Cũng theo thầy Trường, sau những lần nhà trường báo cáo thì chính quyền địa phương các cấp phản hồi rằng, vì Trường tiểu học Phú Lệ nằm trong diện di dời của Thủy điện Hồi Xuân nên không tiếp tục sửa chữa nữa. Trong khoảng thời gian này, thầy trò cũng phải khắc phục dạy và học cho đến tháng 10-2020, khi các đoàn của huyện xuống khảo sát mới xác định không thể dạy và học ở nơi như thế này được nữa vì quá nguy hiểm. Lúc đó, huyện mới tính phương án tìm nơi dạy học mới cho nhà trường.

Tháng 11-2020, Trường Tiểu học Phú Lệ có 141 học sinh được chuyển lên học chung với Trường THCS Phú Lệ nhưng do thiếu phòng, cả hai trường đã phải lấy văn phòng của giáo viên để làm lớp học cho các em học sinh.

"Nhưng cái khổ nhất của cả thầy cô, học sinh 2 trường cấp 1 và cấp 2 chính là việc sử dụng chung hai phòng vệ sinh chỉ khoảng 10 m2 nhưng đã xuống cấp, rạn nứt trầm trọng. Chưa kể cái có cửa, cái không có cửa và mỗi lần đi vệ sinh đối với thầy cô, học trò ở đây đều rất bất tiện"- thầy trường cho hay.

Cũng từ tháng 11-2020, khi Trường Tiểu học Phú Lệ chuyển lên học chung với Trường THCS Phú Lệ, lại có mấy đoàn về khảo sát để sửa chữa nhà vệ sinh, nhà bếp nhưng đến nay đã hết năm học và chuẩn bị cho năm học mới vẫn không thấy họ về sửa chữa gì cả.

Hai nhà vệ sinh dành cho 269 thầy cô, học trò của cả hai trường cấp 1 và 2 ở xã Phú Lệ dùng chung đã xuống cấp trầm trọng nhưng đợi mãi không thấy ai về tu sửa. Ảnh: Đ. TRUNG

"Chúng tôi mong mỏi chính quyền địa phương các cấp sớm quan tâm đến để các thầy cô, học trò hai trường trong năm học mới bớt đi rất nhiều khó khăn như lâu nay.

Đồng thời, cũng hy vọng chính quyền sớm có phương án xây dựng ngôi trường mới cho các em học sinh tiểu học nơi huyện miền núi Quan Hóa này. Từ đó cũng là góp phần để công tác ươm mầm tương lai nơi vùng đất này đạt nhiều hiệu quả hơn thay vì như hiện nay”, thầy Trường trăn trở và kỳ vọng.

Dưới đây là một số hình ảnh PLO.VN ghi lại tại hai ngôi trường cấp 1 và 2 xã Phú Lệ (Quan Hóa):

Cổng trường tiểu học đóng cửa sau nhiều năm ngôi trường này xuống cấp. Ảnh: Đ. TRUNG

Mặc dù ngôi trường tiểu học xuống cấp sau trận lũ năm 2018, nhưng mãi đến năm 2020 các đoàn của huyện Quan Hóa mới xuống và xác định là không học được. Ảnh: Đ. TRUNG

Tuy nhiên trong khoảng thời gian chờ đoàn khảo sát về thì thầy cô, học trò vẫn phải khắc phục dạy học trong khi nguy hiểm có thể ập xuống bất cứ lúc nào khi những vết rạn nứt xuất hiện ngày một nhiều. Ảnh: Đ. TRUNG

Những vết rạn nứt chằng chịt nơi ngôi trường từng là nơi dành cho hơn 160 học sinh tiểu học xã Phú Lệ. Ảnh: Đ. TRUNG

Một câu hỏi đặt ra là vì sao trong khoảng thời gian dài trường xuống cấp nhưng chính quyền địa phương đến nay vẫn chưa cho xây dựng lại một ngôi trường khác? Ảnh: Đ. TRUNG

Trưởng THCS Phú Lệ là nơi mà các thầy cô, học trò Trường Tiểu học Phú Lệ đang học nhờ sau khi ngôi trường chính xuống cấp. Tuy nhiên, năm học mới lại sắp bắt đầu và điệp khúc học chung lại tiếp diễn. Ảnh: Đ. TRUNG

Nhưng rồi việc học chung cũng dẫn đến những bất tiện, khó khăn hơn nhiều khi khu nhà bếp, nhà vệ sinh lại xuống cấp nghiêm trọng, chật hẹp.

Chưa hết, nhà bếp dành cho giáo viên thậm chí bị sập mái xuống khiến thầy cô phải dùng hai cây tre làm giá đỡ để sử dụng tạm. Ảnh: Đ. TRUNG

Những kiến nghị rồi mòn mỏi chờ đợi chính quyền địa phương sớm có phương án sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới nhà bếp, nhà vệ sinh từ tháng 11-2020 đến nay vẫn rơi vào im lặng, trong khi năm học mới lại sắp bắt đầu. Thầy cô, học trò hai cấp 1 và 2 phải tiếp tục chờ đến bao giờ? Ảnh: Đ. TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm