Tại sao tôi không thể yêu nghề?

Tôi là một giáo viên trẻ, chưa được vào biên chế. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm, tôi bắt đầu dạy hợp đồng ở trung tâm giáo dục thường xuyên của một tỉnh nhỏ thuộc miền Bắc. Tôi cũng đi dạy thêm, cũng có những lần đã nổi giận và đánh học sinh - một việc mà trước đây tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ làm. Tôi cũng thường tự hỏi: Vì sao mình không thấy yêu nghề? Vì sao quan hệ giữa tôi với các em học sinh không thể tốt đẹp như những gì tôi đã được học và luôn luôn mong muốn?

Vì những chuẩn mực lãng mạn

Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời kinh tế thị trường. Từ thời sinh viên chạy vạy làm thêm đủ nghề: bưng bê phục vụ bàn, gia sư, tiếp thị bia để kiếm tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt, chúng tôi có ước mơ rất thật: ngày ra trường được đi dạy học với mức lương đủ sống, chúng tôi sẽ lấy hết nhiệt tình truyền thụ kiến thức và trau dồi nhân cách cho các em học sinh.

Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, chúng tôi bồi hồi, lâng lâng. Từ bài giảng đến báo chí, văn học nghệ thuật, những diễn đàn chính trị, cả những văn bản, nghị quyết, người thầy luôn được đề cao, được tô vẽ những hình ảnh đầy chất thơ. Thầy cặm cụi chong đèn chấm bài cho học trò, bụi phấn rơi rơi trên đôi vai gầy của cô, sự hy sinh, tận tụy của thầy, cô giáo đã được ca ngợi, tôn vinh trên nhiều trang viết, bài hát, vở kịch...

Thực tế mâu thuẫn

Xã hội đã dành hẳn một ngày để tôn vinh thầy, cô giáo. Danh hiệu và bằng khen, giấy khen cho thầy, cô giáo được chảy như một dòng suối vô tận. Lòng tự hào về nghề nghiệp cao quý của chúng tôi luôn được kích động kèm theo đó là những công việc thực tế ngang trái đáng buồn. Chúng tôi buộc phải làm vô số việc không thuộc chuyện của nghề giáo như thu tiền quỹ, tiền xây dựng cơ sở vật chất của trường... mà mỗi lần mở miệng trước các em hay phụ huynh, chúng tôi thấy cổ họng khô đắng. Chúng tôi buộc các em phải học nhiều môn, phải làm nhiều việc mà các em không hề muốn học, muốn làm. Mang tiếng là kỹ sư tâm hồn nhưng thực chất trên bục giảng chúng tôi chỉ là rô-bốt chạy theo chương trình lập sẵn chi ly từng tiết học từ trên bộ. Hàng ngày, ngoài giờ dạy chúng tôi phải soạn giáo án một cách khiên cưỡng, máy móc theo yêu cầu của cơ quan quản lý, cái giáo án mà ai cũng biết rằng “chỉ soạn để báo cáo chứ không phải để dạy”, cái chương trình ấy thì ai cũng biết là quá nặng, quá hàn lâm so với độ tuổi của các em. Chúng tôi phải tự dối mình và dối các em khi vo tròn điểm số theo thúc ép của các chỉ tiêu thi đua... Khi cơ chế quản lý đã đẩy người thầy phải sống không thật thì làm sao chúng tôi có đủ nhân cách để các em theo đó làm gương?

Chúng tôi chờ lắng nghe những phát biểu đầy trách nhiệm của các vị lãnh đạo cấp cao và hy vọng có sự sửa chữa nhưng sau những lời phát biểu hùng hồn, cấp tiến thì mọi việc vẫn đâu vào đó hoặc nếu có thay đổi thì càng rơi vào hình thức. Khi chúng tôi chấp nhận và làm quen được với thực trạng quản lý ấy thì nhiệt tình, mơ ước về nghề đã hầu như chết ngộp.

Phải làm thêm để kiếm sống

Thực tế với điều kiện lương và phụ cấp như hiện nay, những ngành nghề khác có điều kiện để tạo thêm thu nhập cho cuộc sống. Với giáo viên, nhất là giáo viên mới vào nghề, không thể dành thời gian trau dồi thêm kiến thức, nghiệp vụ, cập nhật những thông tin mới để nâng cao tri thức. Rất nhiều giáo viên ở các tỉnh lẻ không có điều kiện tiếp cận với tin học, mạng internet, báo chí; chưa kể đến các giáo viên vùng sâu, vùng xa. Rất nhiều diễn đàn đang bàn về giáo dục nhưng chính những đồng nghiệp của tôi lại không biết đến những diễn đàn đó. Họ còn phải đi dạy thêm và làm nhiều công việc khác để đáp ứng nhu cầu chi dùng hàng ngày mà mức lương hiện tại chưa đáp ứng đủ. Tôi thấy đúng như nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh đã nói: “Không ai có thể nói không với lợi ích cá nhân” (bài viết Thầy - trò bình thường mà vi diệu đăng trên diễn đàn “Tôn sư trọng đạo thời nay”, Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 17-11). tất nhiên cả các thầy, cô giáo cũng thế.

Theo tôi, chính sự mâu thuẫn giữa thực tế với những chuẩn mực quá lãng mạn đã đẩy chúng tôi - những giáo viên trẻ - đi theo vết xe đổ của những bất cập trong ngành giáo dục. Hãy coi nghề giáo như mọi công việc khác trong xã hội. Phải giải phóng người thầy ra khỏi những quy định ràng buộc cứng nhắc hình thức để người thầy có thể sống thật, làm việc thật và cho điểm thật. Sự hy sinh vì nghề nghiệp, vì lý tưởng đạo đức phải đi liền với nhu cầu được trả lương thỏa đáng, được tạo điều kiện làm việc tốt.

Phương Bảo - giáo viên ở Nam Định

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm