Sẽ thay đổi cách ra đề môn toán trong tuyển sinh lớp 10

Theo đó, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ diễn ra hai ngày 11 và 12-6 với ba môn toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Khối 10 chuyên sẽ thi thêm môn chuyên chiều ngày 12-6.

Năm nay, môn ngữ Văn tiếp tục được Sở GD&ĐT TP ra theo hướng mở, gắn với những vấn đề thời sự, gia đình và xã hội, gần với lứa tuổi học trò để các em bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của mình, phát huy tính sáng tạo, vận dụng kiến thức và kỹ năng của người học.

Học sinh (HS) sẽ làm bài trong 120 phút với hai phần. Phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, học HS sẽ trả lời các câu hỏi tự luận ngắn đã học trong sách giáo khoa để đánh giá khả năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức của các em.

Phần hai là tạo lập văn bản chiếm 7 điểm, HS sẽ viết bài về nghị luận xã hội hoặc nghị luận văn học về các vấn đề trong đời sống mà đề bài đưa ra nhằm đánh giá khả năng thu thập, xử lý và nhận thức vấn đề của các em.

Điểm mới của năm nay, đề thi môn toán sẽ đổi mới theo hướng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. HS không chỉ dừng lại ở những bài tập khô khan, máy móc mà còn vận dụng kiến thức và tìm ra phương án giải quyết cho cuộc sống.

Theo một số giáo viên dạy dạy khối lớp 9 cho biết, vừa qua Sở đã có hướng dẫn về việc ôn tập cho HS để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Trong đó, môn toán năm nay sẽ giảm nhẹ những bài toán khó, tăng các bài toán mang tính ứng dụng như tính tiền điện nước, cước taxi, lãi suất ngân hàng… rất gần gũi và thiết thực với cuộc sống gia đình của các em. Như thế, các em không chỉ biết vận dụng kiến thức tốt mà còn biết tư duy, nắm bắt thực tế cuộc sống để hiểu hơn.

Theo các giáo viên, cách ra đề này sẽ thay đổi cách nhìn và cách học của các em với môn toán, các em biết học toán để làm gì và làm như thế nào thì sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, một số giáo viên cũng cho rằng vì năm đầu tiên nên Sở cần đổi mới từ từ để HS làm quen và thay đổi dần cách dạy và học trong nhà trường, tránh tạo lo lắng và áp lực cho cả thầy lẫn trò.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm