Rối việc dạy giới tính cho trẻ khuyết tật

Các em khuyết tật cần được trang bị kiến thức về giới tính như biết mình là ai, mình làm được gì, cần làm gì khi đến tuổi dậy thì… Nhưng để các em hiểu được điều đó là rất khó.        

Những tình huống bi hài

Một phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ học tại Trường chuyên biệt Tương Lai (quận 1) kể con gái chị đã 10 tuổi nhưng trí tuệ chậm phát triển. Gần đây, mỗi khi anh trai khoác tay lên vai hoặc ôm cháu là cháu liền hất tay ra và chạy vào giường trùm chăn lại. Nhiều lần dò hỏi chị mới biết con chị có hành động như vậy vì nghe cô giáo dặn “không được cho người khác giới chạm vào người vì tay họ rất dơ nên dễ lây bệnh, không được đi ra ngoài vào buổi tối…”. Con gái chị còn dặn “không được để bố chạm vào người mẹ nhé, mẹ không được vạch áo cho người khác xem…”. Những lời ngây ngô của con khiến chị vừa buồn cười vừa lo sợ con mình hiểu sai vấn đề giới tính.

Cô Đỗ Thị Hiền - Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai cho biết đa số các em chưa nhận biết được mình thuộc giới tính nào. Nhiều bé gái đến chu kỳ kinh nguyệt, không biết gọi cô giáo giúp đỡ mà di chuyển sang chỗ khác khi thấy máu dính trên nền nhà, có em dùng vòi nước để làm sạch... Các em nam không biết nhận thức xấu, đẹp, đôi khi mặc quần thủng đáy mà không mặc quần lót, tiểu tiện không đúng nơi, không biết làm vệ sinh sau tiểu tiện…

Cô Nguyễn Phan Thanh Liễu, giáo viên trường này, kể trong lớp có hai em thích nhau, hễ em này nghỉ học là em kia ngồi im cả buổi không chịu học cũng không chơi với ai. Giờ ngủ trưa, hai em thường lại nằm gần nhau, vạch áo cho nhau xem. Cô giáo phải tìm cách dặn dò nhiều lần nhưng các em chỉ nhớ lúc đó rồi lần sau lại quên ngay và tái diễn. “Các em tiếp thu rất chậm, nói trước quên sau ngay, như vậy sẽ rất dễ bị lạm dụng khi ra ngoài trường học” - cô Liễu chia sẻ.

Rối việc dạy giới tính cho trẻ khuyết tật ảnh 1

Các em cần được trang bị kiến thức về giới tính, rèn luyện sức khỏe để biết tự bảo vệ mình. Trong ảnh: Các em Trường chuyên biệt Tương Lai, quận 1 đang học võ tại trường. Ảnh: PHẠM ANH

Một giáo viên tại trường khuyết tật ở quận 4 cũng cho biết các em chỉ hiểu từ ví dụ cụ thể hoặc được giải thích lặp lại nhiều lần. “Cô giáo nói có bầu là bụng sẽ to lên, vậy là có em vạch bụng rồi nói em cũng có bầu vì thấy bụng to. Cô giáo phải giải thích, bụng em to là do ăn no chứ không phải có em bé. Có em bắt chước bố mẹ “ngủ” với nhau hoặc kéo nhau vào nhà vệ sinh để hôn nhau. Mình phải tách các em qua phòng khác để dạy riêng, dặn dò không nên làm vậy vì rất mất vệ sinh, là xấu sẽ không được cô khen nữa. Nhiều lần giải thích các em mới nhớ nhưng sâu xa hơn thì các em không hiểu được” - cô giáo này giãi bày.

Tự mày mò phương pháp để truyền đạt

Cô Trịnh Thị Thu Thủy, giáo viên Trường chuyên biệt Ánh Dương (quận 12), cho rằng dạy giới tính cho trẻ khuyết tật về trí tuệ, giáo viên phải giải thích rất nhiều, dùng ký hiệu riêng hoặc ngôn ngữ cơ thể để các em hiểu. Ví dụ, nói “đi tiểu” phải chỉ ra nhà vệ sinh, nói “bụng bự” là phải vòng tay ra…

Theo cô Thu Thủy, hiện nay kỹ năng và tài liệu cho giáo viên dạy khuyết tật rất ít, các cô phải tự mày mò, tự tìm cách truyền đạt cho từng trẻ có dạng tật khác nhau khiến kiến thức đến được với các em quá ít ỏi để các em tự hiểu và tự bảo vệ hoặc chăm sóc bản thân mình.

Cô Đỗ Thị Hiền chia sẻ giáo viên còn rất hạn chế về phương pháp truyền đạt. Có khi giúp các em hiểu được về giới tính, về các bộ phận sinh dục nhưng khi nói đến “em sinh ra như thế nào?” giáo viên bị bí ngay. Khi kiến thức đến với các em không đầy đủ, các em khó có thể phản kháng lại trước những hành động lạm dụng hoặc xâm hại của người khác.

Cô Lê Thị Dung, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh (quận Tân Phú), phân trần nhiều em đã 16, 17 tuổi nhưng giáo viên không dạy nổi những kỹ năng tự phục vụ. Giáo viên thường phải phát hiện trẻ bước vào tuổi dậy thì, tách các em ra để dạy riêng hoặc một tiết dạy dành cho 4-5 em chứ không thể dạy đại trà chung trong một lớp.

Cô Dung nói thêm, mỗi dạng tật đều có khó khăn riêng như đối với trẻ khiếm thính phải dùng nhiều ký hiệu ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển giáo viên phải nói nhiều lần các em mới hiểu, trẻ khiếm thị phải dùng hiện vật cho các em tiếp xúc… Vì vậy, dạy giới tính cho trẻ khuyết tật, giáo viên phải rất kiên nhẫn mới theo nghề được.

Để học sinh khuyết tật hiểu được về giới tính, cần dạy lặp đi lặp lại nhiều lần. Không chỉ ở trường mà còn cả ở nhà. Tuy nhiên, chính phụ huynh của các cháu khuyết tật chưa chú ý đến việc giáo dục giới tính, chưa giúp con hiểu những biến đổi đang diễn ra trên cơ thể con mình. Nhiều người nghĩ con họ bị khuyết tật nên không cần dạy cho con những hiểu biết về giới tính. Vì thế, chỉ cần qua hai ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ hè, tết… các em sẽ quên hết và giáo viên phải bắt đầu dạy lại. Phụ huynh phải là người gần gũi, chia sẻ và theo dõi những thay đổi của các em để hướng dẫn, can thiệp ngay.

ĐỖ THỊ HIỀN, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai, quận 1

Giáo viên phải dùng những cử chỉ, tình huống thật nhẹ nhàng, đơn giản và thực tế. Đồng thời, nhà trường phải lồng ghép giáo dục giới tính qua các hoạt động vui chơi giải trí ngoài giờ, thể dục thể thao để giải tỏa tâm lý cho các em.

LÊ THỊ DUNG, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Bình Minh, quận Tân Phú

Năm nào trường cũng mời các bác sĩ ở bệnh viện lớn về làm chuyên đề để giáo dục giới tính cho các em, nội dung chủ yếu về sức khỏe và sinh sản. Nhiều thắc mắc ngây ngô của các em khiến giáo viên khó trả lời nên cần có bác sĩ giải đáp. Các giáo viên trong trường chủ yếu dạy cho các em bằng chính những kinh nghiệm của mình nên không nhất quán...

TRẦN THỊ MỸ HẠNH, Phó Hiệu trưởng chăm sóc Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, quận 10

Hiện nay toàn TP có 3.122 học sinh khuyết tật đang theo học tại 541 trường hòa nhập và chuyên biệt. Các em thuộc nhiều dạng tật khác nhau nhưng phần lớn vẫn là chậm phát triển trí tuệ. Đây là nhóm khuyết tật gặp nhiều khó khăn nhất trong công tác giáo dục giới tính.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm