Quy định xử lý sinh viên bán dâm: Sai phải sửa!

Sự việc Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên (SV) đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp vấp phải sự phản đối dữ dội khi quy định SV hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị đuổi học.

Đây không phải lần đầu Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này. Thông tư 10/2016 từng được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2016 và đang có hiệu lực, áp dụng đối với SV các trường đại học hệ chính quy cũng đã có quy định.

Rút dự thảo trong đêm

Trước làn sóng dư luận phản ứng mạnh mẽ về quy định SV bán dâm bốn lần sẽ bị buộc thôi học, ngay trong đêm 29-10, Bộ GD&ĐT đã rút dự thảo thông tư và phát đi thông cáo giải thích về sự việc này.

Theo Bộ GD&ĐT, trong quá trình soạn thảo thông tư, ban soạn thảo đã nhận thấy một số nội dung liên quan đến phụ lục quy định khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của học sinh, SV, trong đó có hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm không còn phù hợp, cần phải điều chỉnh khi ban hành quy chế mới. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật các phiên bản dự thảo để đưa lên cổng thông tin điện tử lấy ý kiến người dân, ban soạn thảo đã sơ suất, chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất.

Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn chỉnh dự thảo một cách tốt nhất. Bộ cũng sẽ xem xét kiểm điểm trách nhiệm của ban soạn thảo và cá nhân có liên quan” - thông cáo viết.

Thông cáo cũng cho biết Bộ sẽ rà soát, nghiên cứu sửa đổi một số nội dung quy định tại Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT cho phù hợp với thực tiễn.

Trả lời bên hành lang Quốc hội liên quan đến vấn đề này, ngày 30-10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết quan điểm của Bộ là “sai phải sửa và kiên quyết sửa”. Ông cũng khẳng định sẽ xem xét xử lý trách nhiệm cá nhân những người làm sai.

Khung quy định xử phạt đối với trường hợp sinh viên hoạt động mại dâm theo Thông tư 10/2016 của Bộ GD&ĐT.

“Tôi không đồng tình”

Một thực tế khác là khi Bộ GD&ĐT rút dự thảo thông tư trên thì Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT có những điều khoản tương tự đã và đang được áp dụng với SV đại học hệ chính quy.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) khẳng định vấn đề mại dâm vốn rất nhạy cảm của xã hội. Nhưng nếu được đưa vào thông tư quy chế là không phù hợp.

“Chúng ta là nước rất trọng nhân phẩm và phẩm chất người phụ nữ. Nên nhiều lần thảo luận có nên công nhận mại dâm một nghề hay không cũng rất thận trọng. Đặc biệt với độ tuổi còn trẻ, thanh niên, việc đưa vấn đề xử lý mại dâm vào không được, nhất là khuôn viên học đường, nơi lẽ ra chỉ làm giáo dục…” - ông Quốc nhận xét và cho rằng dù ở góc độ nhân đạo có thể tính đến việc này nhưng trở thành quy chế thì không được.

Về quan điểm nhiều người cho rằng nếu SV vi phạm đuổi luôn, không cần đến lần thứ tư, vị đại biểu cũng đồng tình nhưng không coi đây là hình thức xử lý vĩnh viễn.

Bày tỏ sự bất ngờ trước quy định trên, PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, bày tỏ: “Tại sao Bộ GD&ĐT lại đưa ra dự thảo như thế? Tôi không đồng tình. Đã là học sinh, SV thì không được phép có lần nào bán dâm cả”. Vì nếu theo như dự thảo, lần thứ tư vi phạm mới bị đuổi học thì chứng tỏ lần một, lần hai và lần ba được chấp nhận. Vì vậy, rút dự thảo là đúng” - PGS Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

“Mua bán dâm khác với những hành động khác. Nó thuộc phạm trù đạo đức của con người nên không thể tùy tiện đưa ra mức xử phạt như thế. Tôi cho rằng chính người đưa ra dự thảo cũng coi thường vấn đề này nên mới đưa ra mức xử phạt như vậy” - nguyên thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá.

Sau khi có dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT đã rút dự thảo khỏi trang thông tin nội bộ, đó là cách xử lý cầu thị, hợp lý. Việc ban hành văn bản dù là dự thảo nhưng lại có những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật là không nên.

Bởi lẽ khi đã công bố trên cổng thông tin của Bộ phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, tương đối hoàn thiện, ít nhất là không có mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật khác hoặc những tiền lệ đã có. Tôi cho đây là việc cơ quan quản lý cần lưu ý rút kinh nghiệm.

Ông PHẠM TẤT THẮNG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm