Phương án mở cửa trường học của Sở GD&ĐT TP.HCM

Dạy học trực tiếp kết hợp dạy học trực tuyến ở địa bàn dịch cấp độ 3 và tiếp tục học trực tuyến với địa bàn dịch cấp độ 4.

Chiều 8-11, Sở GD&ĐT TP.HCM báo cáo với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM về lộ trình dạy học trực tiếp.

Theo đó, dự kiến học sinh (HS) sẽ trở lại trường học trực tiếp từ ngày 10-12, hình thức dạy học tương ứng với từng địa bàn cấp độ dịch. 

Trước khi HS đến trường, các cán bộ, giáo viên, nhân viên được tập huấn phòng chống dịch vào ngày 8-12, họp phụ huynh vào ngày 9-12.  

Buổi làm việc của Sở GD&ĐT TP.HCM với Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM. Ảnh: KHÁNH CHI

Tại các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1, 2 (nguy cơ thấp và trung bình), HS sẽ đến trường học trực tiếp. Trường học phải đảm bảo các tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 và các điều kiện sẵn sàng chuyển sang học trực tuyến khi dịch diễn biến phức tạp.

Các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao), trường tổ chức dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp tùy vào tình hình thực tế, ưu tiên các lớp 1, 2, 6, 9 và 12. Trường tổ chức dạy học trực tiếp lệch ca, lệch giờ, đảm bảo khoảng cách, giới hạn sĩ số/lớp.

Các trường tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến tại các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao). Với cấp học mầm non và phổ thông, GV hướng dẫn phụ huynh giúp đỡ trẻ, trẻ học tập vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp. Trường có phương án chuyển tài liệu học tập đến nhà cho HS thiếu thiết bị học trực tuyến. Các trường đều không được tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. 

Ông Lê Hoài Nam, PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: KHÁNH CHI

Với khối mầm non, TP Thủ Đức và các quận huyện kiểm tra, rà soát các cơ sở đủ điều kiện đón trẻ đến trường. Sở cũng chỉ đạo các địa phương phân công các trường mầm non công lập tiếp nhận trẻ khi các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn giải thể hoặc không đủ điều kiện đón trẻ trở lại. 

Các trường xây dựng kế hoạch, liên hệ phụ huynh để nắm danh sách nhằm điều chỉnh, phân chia nhóm, lớp, GV kịp thời. Trường cũng vệ sinh phòng học, thiết bị đảm bản an toàn cho trẻ. Đặc biệt, cán bộ quản lý, GV, nhân viên phải tiêm đủ 2 mũi vaccine đã qua ít nhất 14 ngày.

Với khối tiểu học, các cơ sở trưng dụng đã được bàn giao báo cáo tiến độ, kế hoạch sửa chữa.

Với khối trung học, ngành giáo dục sẽ tranh thủ "thời gian vàng" để học trực tiếp. Các trường tiếp tục dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến và nâng dần thời gian học trực tiếp. 

Đối với giáo dục thường xuyên, cao đẳng và đại học, các cơ sở giáo dục thường xuyên tận dụng tối đa thời gian này để ôn tập kiến thức dạy học trực tuyến; phân chia khối, phân hóa học viên phù hợp. Tùy tình hình thực tế, các cơ sở sắp xếp các nhóm học viên luân phiên học trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo quy định phòng dịch.

Trẻ đi học trực tiếp giúp GV thuận lợi chăm sóc, giáo dục trẻ. Trẻ cũng có sự tương tác với GV, bạn học khi tham gia các hoạt động. Tuy nhiên, trẻ mầm non khó đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang. Cạnh đó, dịch bệnh kéo dài gây tâm lý e ngại của phụ huynh khi trẻ đến trường, một phần vì trẻ chưa được tiêm vaccine. GV, HS bị nhiễm bệnh hoặc vừa khỏi bệnh có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học, đặc biệt là hội chứng hậu COVID-19, HS mồ côi do dịch. 

Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 3-12 tuổi để trẻ đến trường an toàn, tổ chức thêm những buổi tập huấn cho cán bộ, GV, nhân viên xử lý khi có ca nhiễm xảy ra tại trường, đặc biệt là GV mầm non.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm