Ông Trương Tấn Sang nói về vấn đề giáo dục đại học

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu như trên khi tham dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước, phát biểu tại lễ khai giảng ở Trường ĐH KHXH&NV. 

Sáng 6-9, Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019. Đến dự có ông Trương Tấn Sang, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước.

Phát biểu tại buổi lễ, nguyên Chủ tịch nước xúc động: “Là một cựu sinh viên của trường, tôi vui mừng vì sự phát triển, vì vai trò ngày càng quan trọng của nhà trường đối với nền giáo dục nước nhà. Nhà trường là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hàng đầu của cả nước trong lĩnh vực KHXH&NV, là điểm đến của học thuật có uy tín đối với bạn bè quốc tế muốn học tập và nghiên cứu về Việt Nam”.

Ông Sang cũng cho biết trong lĩnh vực đào tạo, nhà trường đã đóng góp cho xã hội rất nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã đóng góp lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Với 13 chương trình đào tạo bậc ĐH liên quan trực tiếp đến các nước như ngữ văn Anh, Ấn Độ học, Hàn Quốc học… đã cung cấp cho xã hội một nguồn nhân lực am hiểu văn hóa của các nước, tham gia tích cực vào quá trình phát triển và hội nhập đất nước.

Cũng theo ông Sang, một quốc gia muốn phát triển thì nhất thiết phải có cả hai yếu tố: Một là hệ thống giáo dục có chất lượng và hai là có một lực lượng lao động được đào tạo bài bản. Trong lĩnh vực KHXH&NV, chất lượng đào tạo không chỉ đo lường bằng trí tuệ, sáng tạo của người học mà còn có cả yếu tố nhân cách, nhân bản. Như vậy, giáo dục ĐH trở thành “đầu vào” tạo nên sự phát triển đất nước.

Trường ĐH KHXH&NV nhận cờ truyền thống. 

Mặt khác, ông Sang cũng nhìn nhận giáo dục ĐH là đào tạo để trở thành những nhà nghiên cứu, những người thầy theo đúng nghĩa. Theo cách nhìn  này, giáo dục ĐH là thời gian chuẩn bị để tạo ra những nhà khoa học và nhà nghiên cứu thực thụ. Chất lượng ở đây hướng về việc rạo ra các công bố khoa học và tinh thần làm việc nghiêm túc để thực hiện các nghiên cứu có chất lượng. Từ đó giáo dục ĐH đóng vai trò là “hệ thống nuôi dưỡng” của mọi lĩnh vực trong đời sống, là nguồn cung cấp nhân lực tối cần thiết để phục vụ các công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế, giảng dạy và nghiên cứu để xây dựng đất nước. Giáo dục ĐH còn tạo ra các cơ hội cho học tập suốt đời.

Cũng trong bài phát biểu của mình, nguyên Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò của người thầy ở xã hội hiện đại. Ông nói: "Người thầy không chỉ truyền bá kiến thức mà còn đào tạo nhân tài cho quốc gia. "Lương sư hưng quốc", thầy giỏi có thể làm cho quốc gia hưng thịnh". “Người thầy còn là người khuyến khích, tạo động lực cho học trò không ngừng sáng tạo, phát huy hết khả năng trong việc học và nghiên cứu khoa học”.

Phát biểu tại lễ khai giảng, PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM, bày tỏ mong muốn sinh viên của trường hãy định vị mình là chủ nhân và có trách nhiệm cao cả trong việc cùng nhau xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn, nhân bản hơn. Muốn vậy, sinh viên cần bắt tay ngay vào thực hiện những việc thiết thực nhất, trong đó đề cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tinh thần biện luận; rèn luyện cho mình khả năng thích ứng với sự thay đổi trong môi trường đa văn hóa, môi trường được tạo dựng bởi cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo báo cáo của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, có 3.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đã trúng tuyển trong năm học 2018-2019. Đến nay trường đang đào tạo hơn 15.800 sinh viên và hơn 1.700 học viên sau ĐH. Cùng với đó có 266 sinh viên nước ngoài đang học tập các chương trình hệ cử nhân của trường. Nhà trường đang thực hiện chiến lược chuẩn hóa chất lượng theo các chuẩn mực quốc tế; đã có sáu chương trình đào tạo: Báo chí, quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, văn học, công tác xã hội đã được kiểm định bởi mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm