Ông hiệu phó… “chịu chơi”

Cuối năm 2008, PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn giã từ chức giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu mới thuộc Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về đảm nhận chức vụ phó hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM (nay là ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM). Ông đã tạo ra luồng sinh khi mới trong hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giảng dạy.

Giảng viên xin đi học, đồng ý ngay!

Trước đó, việc đi học nâng cao trình độ gặp nhiều khó khăn từ nhiều phía khiến nhà trường không có ai đủ tiêu chuẩn là giảng viên chính.

Lúc mới nghe nhà trường thông báo về chính sách đi học, nhiều giảng viên tỏ ra lo ngại. Học tiến sĩ trong nước chí ít cũng mất 4-6 năm trời, điều kiện học tập tốn kém, thu nhập kinh tế cho gia đình sẽ ảnh hưởng. Cũng có thực tế vì nhiều người đi học nên những giảng viên còn lại phải gồng gánh khối lượng công việc giảng dạy nặng nề.

“Tôi xuống trực tiếp các khoa động viên, kêu gọi giảng viên đi học, sẵn sàng mời giáo viên thỉnh giảng, tháo gỡ khối lượng công việc giảng dạy. Khó khăn lắm nhưng đành phải cố gắng vượt qua. Sau đó nhiều giảng viên lại tự nguyện xin đi học, mình đồng ý đề xuất ngay” - ông kể.

Ông hiệu phó… “chịu chơi” ảnh 1

Giảng viên mới về trường, thử việc vẫn được đảm bảo thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng để họ yên tâm công tác. Trong ảnh: PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn phỏng vấn tuyển dụng giảng viên. Ảnh: TRƯƠNG HIỆU

Ông mạnh dạn đề ra chính sách khuyến khích giảng viên đi học các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước. Đồng thời, qua nhiều mối quan hệ, ông tìm học bổng hỗ trợ giảng viên đi học: Trường giảm từ 20% đến 30% khối lượng giảng dạy đối với giảng viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong nước. Giảng viên học có bằng thạc sĩ được thưởng 3-5 triệu đồng, có bằng tiến sĩ được thưởng 15 triệu đồng.

Không ngại giảng viên… không trở về

Trong hai năm qua, ông cũng đã dùng nhiều cách “chiêu mộ” gần năm tiến sĩ trẻ được đào tạo chính quy từ các nước Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan về công tác.

Được nghiên cứu nhiều nền giáo dục khác nhau trên thế giới, ông nghiệm ra rằng việc xây dựng một ngôi trường không đơn thuần có chính sách, lương bổng tốt mà cần quan tâm đến nội lực của nhà trường, của những con người giảng viên trẻ. Vì vậy, các giảng viên trẻ mới về trường đều được tạo điều kiện cử đi học ngay, không cần qua thử thách hai, ba năm. Ông tự tin: “Chính sách nhà trường có sẵn, bản thân các giảng viên cũng rất nỗ lực vươn lên. Điều này chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tương lai không xa sẽ có đội ngũ giảng viên đầy đủ tri thức góp phần làm thay đổi chất lượng đào tạo của nhà trường nói riêng và giáo dục ĐH nói chung”.

Nhiều ý kiến cũng lo ngại đầu tư cho giảng viên đi học thì liệu có đảm bảo sau này họ trở về để công tác cho nhà trường hay không? Ông cho rằng hiện nay đất nước mình gặp khó khăn trong việc đào tạo nguồn nhân lực cao, điều kiện cũng chưa tốt. “Một số người có khả năng trau dồi kiến thức ở nước ngoài và trở thành công dân toàn cầu, nếu họ không quay về phục vụ thì cũng không nên áp đặt với họ, vấn đề là họ phát huy được nội lực với vị thế của người Việt Nam trên toàn cầu” - ông chia sẻ.

Người thầy mới hiểu quản lý giáo dục

Sau 32 năm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, dìu dắt nhiều thế hệ học trò trưởng thành, đến nay PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn đảm nhận thêm công việc quản lý, ông vẫn tâm huyết việc phát triển nguồn cán bộ giảng viên cho thế hệ mai sau. Ông cho biết hầu hết các trường ĐH trên thế giới đều xem công việc của người thầy là phải gắn liền nghiên cứu khoa học với giảng dạy.

Phải từng là người thầy mới hiểu được chính sách quản lý giáo dục đúng với môi trường giáo dục, mới hiểu được chính sách đối với người thầy, với tâm lý nguyện vọng của sinh viên. “Tôi không tán thành người làm công tác quản lý giáo dục nhưng chưa bao giờ làm thầy vì làm quản lý giáo dục như thế là theo tư cách quản lý hành chính hơn tư cách quản lý giáo dục” - ông tâm sự.

“Có nhiều cán bộ quản lý lo ngại những người khác đi học trở về sẽ… hơn mình. Nhưng với tôi, vẫn luôn khuyến khích cán cán bộ trong trường phải tiến bộ hơn mình, đó cũng là điều đáng mừng và may mắn để cho đất nước phát triển được. Có thể năm, mười năm tới, những giảng viên học xong trở về, tôi không còn công tác ở trường nhưng tôi sẽ yên lòng vì đã có một thế hệ cán bộ giảng viên tương lai đầy đủ tri thức” - ông nói vậy khi cho chúng tôi xem một sấp quyết định cho giảng viên đi học của nhà trường.

PGS-TS Đặng Vũ Ngoạn sinh năm 1956. Năm 1978, ông tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội ngành luyện kim và công nghệ vật liệu, sau đó giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ông làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô. Năm 2002, ông được phong hàm phó giáo sư và được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu mới tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ông đã thực hiện nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng trong ngành công nghệ vật liệu và viết các giáo trình phục vụ cho công tác giảng dạy ĐH.

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm