Nước mắt và nụ cười của thầy cô dạy học trò chuyên biệt

Đó là câu chuyện được cô giáo Tạ Lê Nhật Vy (GV dạy hòa nhập trường Tiểu học Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM) chia sẻ trong buổi giao lưu "Những đóa hồng thầm lặng" vào sáng 17-11. Chương trình do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức nhằm tôn vinh, tuyên dương khen thưởng những cán bộ, GV tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong giáo dục người khuyết tật và giáo dục hòa nhập của TP.

Cô Nhật Vy kể về quá trình "chinh phục" cậu học trò đặc biệt tên Duy. Duy "nổi tiếng" trong trường vì không tiếp xúc với bạn bè nào từ năm lớp 1 đến lớp 4, không vào lớp nếu không có người đưa vào. Sau khi biết Duy sẽ vào lớp của mình, cô Vy lo lắng rằng kiến thức của mình chưa đủ để giúp con phát triển, hoặc đơn giản là có thể đưa con vào lớp không.

Ngày đầu tiên gặp mặt, cô cầm tay em Duy vào lớp và nhận được câu trả lời "Không thích". Cô Vy kiên nhẫn hỏi làm sao để có thể vào lớp cùng cô, Duy trả lời "Không biết". Như chỉ chờ câu trả lời đó, cô nói ngay: "Nhưng cô biết này, đi cùng cô rồi cô nói cho con biết". Duy lưỡng lự rồi đồng ý vào theo. Vào lớp, cô Vy tặng Duy hai cây kẹo mút ngon nhất trong hộp kẹo tình bạn của lớp. Cảm nhận được tình cảm đặc biệt của cô giáo dành cho mình, buổi học hôm sau, Duy đã tiếp tục cùng cô Vy vào lớp. 

Trong một ngày khác không có cô Vy, Duy không vào lớp, gào thét lớn dù lớp trưởng đã nhắc nhở. Nghe tiếng của Duy, cô Vy chạy tới và ôm học trò vào lòng, giúp Duy bình tâm lại. Cô rủ Duy tới thư viện đọc sách. Dù Duy đọc rất yếu, nhưng từ ngày hôm đó, Duy đã thích đọc sách và đọc tốt hơn. Cô Vy cũng phát hiện ra Duy có sở thích gấp giấy. 

Một ngày nọ, trên bàn của cô Nhật Vy xuất hiện trái tim được gấp từ tờ 500 đồng. Biết là của Duy làm tặng cô, cô khen và cất ngay vào ví tiền để làm kỷ niệm. Thấy vậy, Duy bật khóc. Cô Vy lại cùng Duy gấp chiếc máy bay đặc biệt, có hình vẽ cô giáo cầm tay một bé trai. Duy thích lắm và giữ nó bên mình suốt một tuần. 

"Dù đã gặp nhiều học trò đặc biệt, nhưng Duy vẫn để lại trong lòng tôi ấn tượng sâu sắc. Nó như một minh chứng và động lực để tôi cố gắng hơn trên con đường mình lựa chọn" - cô Nhật Vy trải lòng. 

Ba "bông hồng" tiêu biểu trong buổi giao lưu: các cô giáo Lan Phương, Nhật Vy, Kim Loan (từ trái qua). Ảnh: KHÁNH CHI

Còn cô giáo Đinh Lan Phương (GV dạy trẻ đa tật Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, quận 10) thì lại lo lắng không biết bản thân có thể làm được gì cho học trò khi mình cũng là người khuyết tật. Cô Phương kể lại năm đầu tiên nhận lớp, đó là lớp học gồm 8 trẻ em khiếm thị. Có em vừa khiếm thị vừa tự kỉ, có em lại chậm phát triển, có em mất cả hai mắt. 

Cô Lan Phương ám ảnh nhất với học trò mất cả hai mắt, bị lồi sẹo vì cuộc phẫu thuật. Cô bồi hồi kể: "Tôi đã khóc vì bất lực suốt mấy tháng liền bởi nghĩ rằng kiến thức chuyên môn, kỹ năng của mình không đủ". Dù vậy, cô đã nhận được nhiều sự động viên, tin tưởng của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Nhà trường cũng mời nhiều chuyên gia  về dạy trẻ đa tật từ Mỹ, Ấn Độ, Thái Lan để các GV học hỏi thêm. Cô Phương cũng có nhiều dịp đi tập huấn ngắn ngày tại Thái Lan, Ấn Độ.

Hơn 10 năm trong nghề, cô trở thành người bạn đồng hành của nhiều trẻ em khuyết tật. Cô Phương nhớ nhất là cậu bé Quang Anh, quê ở Hà Nội. Do trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) không nhận trẻ đa tật nên mẹ của Quang Anh mua nhà và đưa em vào TP.HCM học tập. Em sống cùng người giúp việc còn bố mẹ thì vẫn làm việc ở Hà Nội.

Cô Phương vừa dạy em trên lớp, vừa dạy thêm bé ở nhà. Cô dạy cho Quang Anh cách lấy khăn tắm và áo quần trước khi tắm, cách tắm rửa, thay quần áo, lau người, cầm muỗng, đũa và dạy học chữ. Trong một lần cô Phương dạy em học vần ia - vần đầu tiên trong chương trình SGK Tiếng Việt cũ, cô và em chơi trò chơi tìm phụ âm ghép với vần ia. Quang Anh tìm ra phụ âm b, ghép thành tiếng bia và nói: "Bia là bố con hay uống đó cô".

"Lúc đó, tôi cảm giác như pháo hoa nở tung trong lòng mình, vì em đã tìm được từ có trong thực tế cuộc sống, nhận biết được có từ đó trong ngôn ngữ hằng ngày của mình. Điều này cũng thắp sáng cho tôi niềm tin rằng nếu mình nỗ lực hết sức thì chắc chắn sẽ được đền đáp" - cô nghẹn ngào khi kể lại.  

Sở GD&ĐT TP.HCM khen thưởng những giáo viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong hoạt động giáo dục khuyết tật và giáo dục hòa nhập của TP. Ảnh: KHÁNH CHI

Còn với cô Phạm Thị Kim Loan (Chuyên viên phụ trách Công tác giáo dục Tiểu học và giáo dục đặc biệt Phòng GD&ĐT quận 10), lần đầu tiên tham gia ngày hội Thể dục Thể thao của HS khuyết tật TP.HCM năm 2014 đã để lại cho cô ấn tượng sâu sắc. 

Cô kể về bộ môn điền kinh trong ngày hội. Trên đường đua, có nhiều HS khuyết tật với các dạng tật khác nhau. Em khiếm thị được hỗ trợ bằng chuông rung. Những em chậm phát triển trí tuệ thì có thầy cô chạy bên cạnh đường đua để cổ vũ và động viên tinh thần. Những HS khiếm thính sẽ chạy theo động tác, hiệu lệnh của GV.

Cô Loan nói: "Mỗi em có một sự trợ giúp khác nhau. Hôm đó, trời nắng nóng nhưng không em nào bỏ cuộc, ai cũng chạy tới đích và đứng chờ bạn của mình kết thúc cuộc đua để trao cho nhau cái ôm. Tôi cũng cảm nhận được tình cảm của các thầy cô giáo qua tấm lưng ướt sũng mồ hôi. Các thầy cô cố gắng tạo ra sân chơi cho các con, đồng hành cùng các con trên chặng đua của mình, để không ai bị bỏ lại phía sau". 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập.