Nói sách giáo khoa có thể có lỗi: Không thể chấp nhận!

Trong bài trả lời phỏng vấn báo Giáo dục Việt Nam về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau 2015, GS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nói rằng: “Về mặt nội dung khoa học thì sách nó có thể có những sai sót nhỏ chỗ này chỗ kia nhưng không trầm trọng tới mức mà chúng ta phải có một cuộc đổi mới lớn như thế này". Ông Báo là ủy viên thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015.

Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD – ĐT cho rằng, đã là sách giáo khoa, một lỗi nhỏ cũng không chấp nhận được. 

- Vừa rồi GS Đinh Quang Báo cho rằng: “Về mặt nội dung khoa học thì sách nó có thể có những sai sót nhỏ chỗ này chỗ kia”, ông nghĩ sao về phát ngôn này, nhất là khi ông Báo còn được Bộ GD giao làm thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015?

Tôi không đồng ý với phát ngôn trên. Nếu Bộ GD -ĐT làm môt cách nghiêm túc thì mời một số nhà giáo, những người có kinh nghiệm làm chương trình sách ngồi lại bàn bạc, đóng góp ý kiến. Khi nói rằng chương trình thừa 50 - 60%,  tức người ta lượng được rồi và sẽ chỉ ra được thừa và thiếu cái gì. Nhiều nhà khoa học cũng đã chỉ hẳn sách này, sách kia thừa cái này cái kia.

Sách giáo khoa không thể nói lỗi nhỏ, lỗi to, cứ lỗi là không được dù chỉ là một cái dấu. Ví dụ, trong một câu văn, sai một một dấu chấm, dấu phẩy là nhỏ nhưng nghĩa của nó sai hoàn toàn. Hay trong một công thức toán học, chỉ sai mũ số 2 thành số 3 là đã sang một giá trị khác, thế sao nói là nhỏ được.

Khi phát hiện bất cứ lỗi sai nào trong sách, cần phải quy trách nhiệm nhà xuất bản giáo dục bởi họ trả công cho tác giả quá rẻ nên người ta không làm cẩn thận. Phải làm cẩn thận với học trò không thể lỗi nhỏ, lỗi to, cứ lỗi là không được. Kiến thức là phải chính xác tuyệt đối. Người nào làm đúng quy luật thì giàu có, sai thì nghèo khó thế thì làm sao có thể nói là sai nhỏ mà chấp nhận được. Tôi tin rằng, trên thế giới này không có nhà sư phạm nào chấp nhận nói câu nói đó.

Dù sao đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân của giáo sư Báo còn kế hoạch đổi mới là do chủ nhiệm đề án quyết định.
 
-Nhiều năm nay, sách giáo khoa phổ thông của chúng ta thường bị các chuyên gia giáo dục “chê” là nội dung quá tải, ôm đồm. Tuy nhiên, giáo sư Đinh Quang Báo mới đây lại cho rằng, theo yêu cầu để phát triển năng lực học sinh, sách giáo khoa  của chúng ta so với các nước không phải là quá tải. Vậy ông đánh giá thế nào về sách giáo khoa hiện nay?

Nói sách giáo khoa có thể có lỗi: Không thể chấp nhận! ảnh 1
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT

Tuy đã về nghỉ hưu 5 năm nhưng theo dõi tôi thấy phần lớn ý kiến của các nhà giáo đang dạy và những người làm chương trình nay đều cho rằng sách giáo khoa phổ thông đang quá tải?

Thực tế, 5 năm qua Bộ giáo dục đã liên tục chỉnh sửa. Cụ thể 2-3 năm trước đã sửa và in vào 1 tập đính chính, là chính thức công nhận quá tải rồi. Hơn nữa, từ năm 1996, Trung ương khóa VIII có hội nghị về chuyên đề giáo dục, đã nhận định rằng: ta thừa cái không cần và thiếu cái cần, tức quá tải và thực tế 16 năm qua liên tục có sự chỉnh sửa.

Gần đây nhất, trước hội nghị Trung ương 6, khóa 11 (tháng 10/2012) đã bàn nhiều vấn đề trong đó có đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Trong các hội thảo, nhiều người hơn 40 năm dạy toán ở ĐH sư phạm, hiện là hiệu trưởng một trường PTTH đã nói rằng: riêng môn toán thừa 50 – 60%. Nhóm khoa học xã hội báo động nhất về môn sử, dạy quá nhiều chi tiết. Nhiều người dạy sử đã thắc mắc, ở lớp 4 học gì đến liên hiệp quốc, ở trung học sao đã học phạm trù triết học.

Chúng ta không thể so sánh với các nước khác vì điều kiện học tập, thời gian học tập của học sinh nước ta đều khác họ. Các trường phổ thông ở nước ngoài đều học hai buổi/ngày còn nước ta chỉ học một buổi/ngày. Tổng số giờ học của họ là hơn 8.000 giờ nhưng ta học có hơn 6.000 giờ, ít hơn họ những 2.000 giờ. Vậy thì nếu so sánh, cũng như người gánh nặng đi đường xa và người gánh nặng đi đường gần, số giờ ít mà phải tải một số lượng lớn tức là phải tăng tốc độ, ắt sẽ dẫn đến quả tải. 

- Vậy quan điểm của ông thế nào về vị trí của sách giáo khoa trong giáo dục?

Theo tôi, sách giáo khoa là quan trọng nhất trong công cụ dạy và học. Thực tế thì người dạy, người học đều theo sách giáo khoa thậm chí có hướng dẫn trong sách giáo khoa không cần, nhưng không bỏ đi nên học sinh cứ học. Học sinh chỉ biết học theo sách giáo khoa chứ  đâu có nghiên cứu về chương trình, nghiên cứu chuẩn kiến thức.

Khi có một vài bộ sách giáo khoa thì chương trình là cái gốc còn người thầy có thể chọn bộ sách nào phù hợp người để dạy. Nhưng với học sinh thì học vẫn học theo sách, cuốn sách mà ông thầy chọn để giảng dạy cho chúng.

- Nói như thế, nội dung sách giáo khoa phải thật chuẩn xác?

Đúng rồi. Ngày xưa gọi sách giáo khoa là cương lĩnh, nghĩa là bắt buộc, không thể thay đổi được. Bây giờ người ta không dùng từ đó nhưng vai trò của nó vẫn là như thế.

Từ khi tôi tham gia công tác giáo dục nhất là khi tham gia quản lý ở Bộ Giáo dục, tôi được cử đi rất nhiều nơi. Đến nước nào tôi cũng đi thăm nhà xuất bản, thăm nơi làm sách và thấy người ta có mấy yêu cầu: chuẩn xác về kiến thức, chuẩn xác về ngôn ngữ và đẹp về hình thức. Người ta giơ quyển sách giáo khoa rồi cầm cái bìa giằng mà không rách. Còn ở mình, 10 – 15 năm nay, sách nhiều lỗi quá, kể cả chính tả. Sách giáo khoa không được phép có bất cứ một lỗi nào.

- Vậy theo ông mấu chốt đổi mới sách giáo khoa là ở điểm nào?

Mấu chốt là ở mục tiêu đào tạo, mục tiêu giáo dục cho nó tốt. Mục tiêu đó là đuợc quy định bởi con người việt nam, văn hóa việt nam, lịch sử việt Nam và các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở những thập kỷ đầu thế kỷ 21 này nhưng cũng phải phù hợp với xu hướng thế giới để đạt được khẩu hiệu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thời điểm này, mục tiêu đào tạo chưa được công bố mà bắt tay vào làm chương trình sách giáo khoa, tôi sợ là hơi ngược, nó giống cái cày đi trước con trâu. Toi thấy logic các bước đi như thế là không hợp lý.  Hơn nữa, việc thay đổi sách giáo khoa cần cả một lộ trình chứ không ngày một ngày hai là xong được.

Xin cám ơn ông!

Theo Khánh Tường (Kiến Thức)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm