Những lưu ý cho thí sinh thi đánh giá năng lực

Theo công bố chính thức từ ĐH Quốc gia TP.HCM, năm 2021 ĐH này tiếp tục tổ chức hai đợt thi đánh giá năng lực (ĐGNL), trước và sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Địa điểm tổ chức cũng được mở rộng đến bảy địa phương. Đây là kỳ thi tuyển sinh riêng thu hút quan tâm lớn nhất từ phụ huynh, thí sinh trên cả nước trong ba năm qua.

Tăng địa điểm tổ chức thi

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), đợt 1 đã bắt đầu đăng ký từ ngày 15-1 vừa qua. Và thời hạn đăng ký đợt 1 sẽ kéo dài đến hết ngày 5-3.

Thời gian thi đợt 1 diễn ra vào ngày 28-3 tại TP.HCM, Bến Tre, An Giang, Nha Trang, Đà Nẵng và hai điểm thi mới so với mọi năm là Bạc Liêu và Buôn Ma Thuột (ĐắkLắk). Kết quả thi đợt 1 được dự kiến công bố đúng một tuần sau khi thi, tức ngày 5-4.

Ở đợt 2, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ mở cổng đăng ký dự thi từ ngày 4-5 đến 4-6. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 4-7 tại bốn địa phương, gồm TP.HCM, An Giang, Nha Trang và Đà Nẵng. Kết quả của đợt 2 sẽ được công bố vào ngày 12-7.

Thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng sẽ kéo dài trong một tháng, từ ngày 4-5 đến 4-6.

Theo TS Chính, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Về nội dung, đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Cấu trúc bài thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM gồm ba phần: Sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic, phân tích số liệu và giải quyết vấn đề nhằm đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh.

Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi tích hợp kiến thức ở nhiều lĩnh vực như tiếng Việt, văn học, kiến thức tiếng Anh tổng quát, toán học, khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) và lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quốc Chính cũng lưu ý các nội dung câu hỏi ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, một phần nhỏ những câu kiến thức cơ bản về thông hiểu các em đã học ở phổ thông nên chỉ cần đã học là sẽ làm được. Còn đa phần đòi hỏi các em phải hiểu và biết vận dụng, suy luận, giải quyết vấn đề.

“Nếu các em chỉ học thuộc lòng, học vẹt sẽ khó có thể làm tốt được. ĐH Quốc gia TP.HCM cũng không khuyến khích các em đi luyện thi và chúng tôi cũng không tổ chức ôn luyện hay bán tài liệu ôn thi mà chỉ công bố đề minh họa để các em hiểu cấu trúc đề thi, giúp việc ôn tập tốt hơn” - TS Chính lưu ý.

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2020 vừa qua. Ảnh: PA

Tuyển sinh 30%-70% tổng chỉ tiêu

Kỳ thi ĐGNL được xem là kỳ thi tuyển sinh riêng lớn nhất cả nước sau kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là năm thứ tư kỳ thi được tổ chức để làm căn cứ xét tuyển vào các trường ĐH.

Theo TS Chính, sau lần đầu tổ chức vào năm 2018, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự tin tưởng của xã hội. Ngoài các trường ĐH thành viên, từ 24 trường ĐH, CĐ ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh vào năm 2019 đã tăng gần gấp ba trong năm 2020 với gần 70 trường. Và năm 2021 cũng đã có 69 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.

Theo lộ trình, kỳ thi này sẽ tiến tới là phương thức chính để tuyển sinh chính của các đơn vị thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM. Do đó, chỉ tiêu tuyển sinh bằng ĐGNL năm 2021 của các trường đều tăng lên.

Cụ thể như Trường ĐH Bách khoa năm nay cũng xét tuyển 5.000 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy cho 35 ngành đào tạo chương trình trong nước và liên kết quốc tế. Trong đó, xét tuyển theo kỳ thi ĐGNL lên đến 30%-70% chỉ tiêu.

Trường ĐH Kinh tế - Luật tiếp tục dành tối đa 50% tổng chỉ tiêu của ngành/nhóm ngành cho xét điểm thi ĐGNL. Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên dành 30%-60% chỉ tiêu theo ngành/nhóm ngành cho phương thức này trong tổng chỉ tiêu gần 3.600 SV.

Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng dành tối đa 50% chỉ tiêu trong tổng số là 3.549 chỉ tiêu trình độ ĐH chính quy của 41 ngành đào tạo (chương trình trong nước và chương trình liên kết quốc tế) cho phương thức này.

Ngoài ra, nhiều trường khác tại TP.HCM như Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… cũng tiếp tục sử dụng kết quả thi này để xét tuyển với chỉ tiêu khoảng 5%-15%.

Xét tuyển cùng lúc hai kỳ thi đánh giá năng lực

Năm 2021, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) là trường ĐH thành viên duy nhất của hệ thống này quyết định sẽ tiếp tục tổ chức kỳ kiểm tra tuyển sinh riêng sau một năm tạm hoãn vì dịch COVID-19.

Theo kế hoạch dự kiến của nhà trường, thí sinh tham gia kỳ thi này sẽ dự thi ba môn, gồm hai môn bắt buộc (toán học, tư duy logic) và một môn tự chọn (chọn một trong bốn môn lý, hóa, sinh, tiếng Anh). Bài thi chủ yếu trong chương trình THPT, nhất là lớp 12 và nhằm ĐGNL của thí sinh về khả năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức, tư duy logic, năng lực suy luận tổng hợp và tính sáng tạo, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ…

Ở kỳ thi này, trường dành đến 20%-50% tổng chỉ tiêu năm 2021, tức trong tổng số hơn 3.100 sinh viên. Và trường cũng đồng thời dành 10%-30% tổng chỉ tiêu của trường để xét tuyển bằng điểm thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP.HCM. 


Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.