Những giọt nước mắt vào phút chót

Em cho biết hai ngày qua đã hai lần phải rút ra, hai lần nộp vào và lần rút ra này đã không còn kịp. Người dì của em cho biết nhà ở Bình Dương, hai dì cháu phải thuê xe taxi chạy đua giành một suất vào ĐH mà giờ cũng không còn kịp.

Nỗi vất vả của hai dì cháu này cũng là nỗi vất vả của hàng vạn thí sinh và phụ huynh khác trong suốt 20 ngày đua theo đợt xét tuyển vừa qua.

Trước đó, gọi cho chúng tôi qua điện thoại, một bạn đọc là phụ huynh gần như giận dữ khi con của chị đáng lẽ đủ điểm đậu vào ngành quản trị kinh doanh của một trường ĐH ở TP.HCM nhưng rốt cuộc bị rớt oan vì hệ thống dữ liệu cộng sót 0,5 điểm ưu tiên khu vực. Chị kể khi phát hiện ra, chị và con tức tốc chạy đến trường bổ sung giấy tờ để xin điều chỉnh. Nhưng hai ngày qua mà điểm số vẫn không thay đổi, hỏi ra mới biết toàn bộ dữ liệu tuyển sinh của thí sinh là do Bộ GD&ĐT quản lý chứ không phải trường, vì vậy việc điều chỉnh xem như là vô phương.

Xét tuyển ĐH mà như “chơi chứng khoán”, “như đánh bạc”... Đó là những từ mà chính các chuyên gia giáo dục thốt ra khi nhận xét về sự căng thẳng đợt xét tuyển ĐH vừa qua. Và không phải không có lý. Cũng như chơi chứng khoán hay đánh bạc, thí sinh cũng đặt nguyện vọng mà hoàn toàn không biết có đậu hay không.

Đến 17 giờ hôm qua, khi Bộ GD&ĐT chính thức đóng cổng dữ liệu xét tuyển ĐH đợt 1, hàng vạn thí sinh không thể biết mình đậu hay rớt vì tất cả trường không thể xử lý dữ liệu của thí sinh một cách đầy đủ.

Có lẽ khi đưa ra bốn nguyện vọng xét tuyển đợt 1 và cho phép thí sinh có 20 ngày được nộp hồ sơ vào, rút hồ sơ ra, những người làm công tác khảo thí ở Bộ GD&ĐT cũng không lường trước được tình hình xét tuyển lại rối loạn đến như vậy. Dù biết ban đầu Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này với mong muốn tạo điều kiện cho thí sinh có điểm cao không bị rớt oan nhưng thực tế đã chứng minh không phải như vậy. Vẫn còn rất nhiều thí sinh điểm cao bị rớt oan và nay kèm theo sự căng thẳng, mất ăn mất ngủ.

QUANG ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm