Những 'cò siêu quyền lực' trong vụ gian lận điểm ở Sơn La

Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh tại tỉnh này được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa qua.

Giám đốc sở khai rồi lại tự phủ nhận

Để thông tin của 44 thí sinh này đến được tay các bị can, phụ huynh hoặc người thân của các em đã thông qua 18 “cò” trung gian. Cơ quan điều tra đã triệu tập những người này để làm rõ động cơ, mục đích nhận thông tin từ người thân thí sinh, thí sinh hoặc thông qua người khác.

Các bị can trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

Kết quả, có 3 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin thí sinh để nhờ nâng điểm, 13 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin nhưng mục đích chỉ là nhờ xem điểm trước, 2 trường hợp khẳng định không quan gì đến việc sửa điểm.

Trong số này, người có chức vụ cao nhất là ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ông Đức ban đầu thừa nhận trước khi chấm thi, có một số trường hợp là lãnh đạo các cơ quan trên địa bàn và "bạn bè ngoài xã hội" tìm gặp, chuyển thông tin của con em mình nhờ “xem điểm thi”.

Tổng cộng, ông Đức nhận thông tin của 8 thí sinh rồi gọi Trần Xuân Yến, cựu Phó giám đốc Sở GD&ĐT lên phòng để nhờ bị can này “xem điểm”. Tuy nhiên, về sau ông Đức bất ngờ phủ nhận chính lời khai của mình, cho rằng không nhận thông tin từ bất kỳ ai.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, là một trong những trường hợp tiếp nhận thông tin của nhiều thí sinh nhất. Tổng cộng ông Hà đã nhận thông tin của 10 thí sinh rồi tập hợp thành danh sách, chuyển cho các bị can để nhờ... giúp đỡ.

Khai về mục đích việc làm này, ông Hà nói sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2018, những thí sinh này đã tự tính đoán, dự đoán số điểm đạt được. Gia đình các thí sinh nhờ ông Hà giúp đỡ để xem kết quả thi có đúng với dự đoán hay không.

Thực tế chưa biết dự đoán của những thí sinh này là đúng hay sai, nhưng các em đều được nâng hàng chục điểm sau khi có sự giúp đỡ của ông Hà.

Nhiều bị can khai được chi cả tỉ đồng để nhờ nâng điểm, nhưng những người được cho là đưa tiền lại một mực phủ nhận.

Chỉ nhờ xem điểm “trong sáng”

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Minh Khoa, cán bộ Phòng PK02, Công an tỉnh Sơn La. Ông Khoa tiếp nhận thông tin của 5 thí sinh, trong đó có NAT – người được nâng điểm “bạo tay” nhất với số điểm được nâng lên tới 26,55.

Có thông tin của các thí sinh, ông Khoa trực tiếp chuyển cho bị can Lò Văn Huynh và hai cựu cán bộ công an Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng. Ông Khoa khai mục đích chuyển thông tin là để nhờ xem trước điểm thi. “Khi biết sớm điểm thi, các thí sinh sẽ có thời gian tính toán, lựa chọn, thay đổi nguyện vọng vào trường phù hợp với số điểm đạt được”, ông Khoa khai.

Một điểm chung đáng chú ý là hầu hết những đối tượng trung gian đã như đã nói ở trên đều là cán bộ công tác trong ngành giáo dục hoặc công an của tỉnh Sơn La.

Khai với Cơ quan điều tra, họ đều một mực khẳng định chỉ chuyển thông tin thí sinh với mục đích xem điểm trước. Không hề trao đổi, hứa hẹn gì về lợi ích vật chất. Thế nhưng lời khai của các bị can lại hoàn toàn ngược lại, rằng họ được chi cả tỉ đồng để nâng điểm cho các thí sinh.

Trong đó, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã thỏa thuận, nhận hơn một tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh. Sau khi bị phát hiện, bị can đã tự nguyện giao nộp số tiền trên cho cơ quan điều tra.

Còn bị can Đặng Hữu Thủy khai sau khi sửa bài nâng điểm cho bốn thí sinh đã nhận tổng số tiền 500 triệu đồng từ ba phụ nữ.

Hay như bị can Lò Văn Huynh thừa nhận giúp nâng điểm thi cho thí sinh LMH và được phụ huynh em H. đưa 300 triệu đồng. Ngoài ra, Huynh còn thỏa thuận giúp nâng điểm bốn thí sinh, mỗi người 700 triệu đồng.

Trớ trêu thay, khi các bị can tự nguyện nộp lại tiền cho Cơ quan điều tra, tất cả những người được cho là đưa tiền đã một mực phủ nhận đó không phải là tiền của mình, do vậy Cơ quan điều tra không có căn cứ để xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm