Nhận định đề thi môn hóa: Khá hay, sát thực tế

Nhận định đề thi môn hóa: Khá hay, sát thực tế ảnh 1
Thí sinh sau giờ thi môn hóa tại điểm thi ĐH Sư phạm Hà Nội trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Phi Hùng 

Thầy Vũ Khắc Ngọc, Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định: Nhìn chung đề thi hóa học năm nay khá cơ bản, nội dung kiến thức của đề thi đều nằm trong chương trình Hóa học THPT, tập trung chủ yếu vào khối kiến thức của chương trình lớp 12 (chiếm đến 80%).

Cấu trúc đề thi gồm các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, tương đồng với đề thi THPTQG năm 2015 đã khá quen thuộc và được các thầy cô ôn tập kỹ nên sẽ có nhiều thuận lợi cho thí sinh.

Đề thi có tính phân hóa cao, đảm bảo được cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH-CĐ. Một số điểm đáng chú ý trong đề thi năm nay là - dạng bài tập cho số liệu dưới dạng đồ thị đã quay trở lại. Bài tập đồ thị này cùng với câu hỏi lý thuyết sử dụng hình vẽ thí nghiệm và bảng số liệu,... tạo thành bộ "ba nhóm câu hỏi" sát với thực tiễn nghiên cứu hóa học, có tác dụng kiểm tra các kỹ năng thực hành, thực nghiệm tổng hợp hợp của học sinh.

Trong đề thi có khá nhiều câu hỏi lý thuyết cung cấp thông tin/hỏi thí sinh các kiến thức liên quan tới thực tiễn sản xuất, ứng dụng của các chất (về công nghiệp tổng hợp hữu cơ, ứng dụng của PVC, ...) thậm chí là liên quan tới thực tiễn đời sống (tác hại của việc uống rượu, cách xử lý khi bị kiến cắn, các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước...).

So với đề thi năm trước, mức điểm 9-10 được bổ sung thêm một số câu hỏi lý thuyết kiểu "đếm", thay vì chỉ thuần túy là bài tập giải toán.

Số lượng câu hỏi và bài tập khó, phân loại cao trong đề thi có phần nhỉnh hơn những năm trước, tuy nhiên không có nhiều bài tập mới lạ, những học sinh có năng lực tư duy tốt, chăm chỉ và rèn luyện nhiều với các đề thi thử đều có thể cảm nhận được "sự quen thuộc" và có thể làm được đáng kể.

Những thí sinh có học lực trung bình nhưng có ý thức lựa chọn môn hóa làm môn thi tự chọn sẽ không khó để đạt điểm 5-6, những học sinh có học lực khá mới có thể đạt điểm 7-8. Chỉ những học sinh thực sự nắm chắc kiến thức, có kỹ năng làm bài thi thành thạo và nhiều kinh nghiệm mới có thể đạt điểm 9-10. Điểm 10 sẽ không nhiều nhưng điểm 9 có thể sẽ nhỉnh hơn những năm trước.

So với năm trước, phổ điểm năm nay nhiều khả năng sẽ "đẹp" hơn và trải đều ở nhiều mức điểm 6-7-8-9 và điều này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các trường đại học trong việc định ra mức điểm chuẩn phù hợp và chọn lựa được đúng đối tượng học sinh. Có 1 điểm đáng lưu ý là trong đề thi có đưa vào tên gọi của anđehit Malonic nhưng không kèm theo chú giải tên hệ thống. Đây là acid không mấy quen thuộc với hầu hết học sinh nên có thể sẽ gây ra nhiều khó khăn cho học sinh trong việc viết CTCT và giải toán.

Nhận định đề thi môn hóa: Khá hay, sát thực tế ảnh 2
Thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong khi đó, ThS Lê Đăng Khương - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Đề thi năm nay chủ yếu trong chương trình kiến thức lớp 12, đề thi có tính phân loại cao, phù hợp tiêu chí của Bộ GD&ĐT. Để đạt được điểm 5 thì hoàn toàn không khó với thí sinh xét tốt nghiệp.

Theo thầy Khương, đề thi môn hóa từ câu 1 đến câu 25 rất dễ, học sinh trung bình có thể làm được nhưng có một số câu phân loại học sinh khá từ câu 25 đến 30. Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái và hay hơn năm ngoái. Có khá nhiều câu hỏi mang tính chất cho thông tin nhiều hơn khiến đề hay hơn và phong phú rất nhiều so với năm ngoái.

Kiến thức cơ bản ở 30 câu này khá nhiều và 30 câu đầu kiến thức thực tế cao. Đề thi năm nay nhiều kiến thức thực tế, ví dụ như câu 36 mã đề 136 hay câu 4, 9, 14, 20 ở mã đề 136. Đề thi hóa phân bổ kiến thức đều từ lớp 10, lớp 11 và chiếm 70% lớp 12.

Tuy nhiên, từ câu 31 đến 41, học sinh khá sẽ làm được. Từ câu 42 đến 50 là những câu hỏi có độ khó tương tự đề tuyển sinh khối B những năm trước và chỉ học sinh giỏi và chắc kiến thức mới có thể làm được. 20 câu cuối lý thuyết khá nhiều, có hai câu vô cơ và hai câu hữu cơ.

Đề thi năm nay có 10 câu khó và năm câu cực khó thuộc về phần phản ứng của kim loại hỗn hợp acid hóa vô cơ. Đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc kiến thức và có lực học giỏi, xuất sắc. Bài tập chủ yếu về hóa vô cơ, phản ứng sắt và hợp chất phản ứng HNO3 và nhiệt phân ở câu 44 khá hay. Bài tập sắt và hỗn hợp đồng ở câu 47 rất quen thuộc nhưng phát triển khai thác thêm phản ứng nhiệt phân muối nitorat.

Theo thầy, ở câu 40 mã đề 136 là câu khá hay và thú vị ở hỗn hợp acid và este. Câu 48 xác định công thức cấu tạo phân tử và đốt cháy muối của Natri.

Đề thi năm nay có một câu rất mới là câu về đồ thị ở câu 50 mã đề 136. Câu này năm trước chưa có. Tuy nhiên, năm nay không có câu sơ đồ hình vẽ, thí nghiệm hình vẽ.

Nhìn chung đề thi năm nay rất hay và khó hơn năm ngoái, đề thi có tính phân loại tốt hơn và phổ điểm trung bình từ 6 đến 8 điểm. Điểm 9 đến 10 tương đương năm ngoái. Không có câu “ đánh đố”, không có câu đánh lừa hay “bẫy” thí sinh, không có câu công thức lạ và phù hợp với chương trình kiến thức cơ bản của Bộ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm