Nhà thơ Nguyễn Phong Việt đính chính câu thơ trong đề thi vào lớp 10

Ngày 3-6, HS tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh 10 kéo dài 120 phút. Đề thi gồm 2 phần, trong đó đề thi phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội sử dụng bài thơ Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con… của nhà thơ Nguyễn Phong Việt.

Đề bài yêu cầu HS trả lời câu hỏi: "Trong cuộc sống, có những đứa con đôi khi tìm cách từ chối những ân cần của cha mẹ. Ở vị trí của một người con, theo em, điều đó đáng chê trách hay có thể cảm thông? Vì sao?" và "Trình bày suy nghĩ của em về cách thể hiện tình yêu thương của bản thân đối với gia đình".

Nhiều HS, GV đánh giá đây là một chủ đề ý nghĩa, thú vị vì có câu chuyện giáo dục cho người trẻ, giúp họ nhìn nhận lại cách thể hiện tình yêu thương với gia đình.

Đề thi môn Văn, kỳ thi tuyển sinh 10 THPT, năm học 2021-2022 của tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: NVCC

Nhận sai sót trong việc xuống dòng của tập thơ

Sau khi bài thơ xuất hiện trong đề Văn, cô Chế Diễm Trâm, nguyên Tổ trưởng tổ bộ môn Ngữ văn - trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đã phát hiện điểm sai trong việc xuống dòng của bài  thơ. Câu thơ mẹ biết rất nhiều lần con ghét mẹ đến mức không thèm nhìn dù vẫn thấy bị ngắt thành hai câu trong đề thi; trở thành mẹ biết rất nhiều lần con ghét/ mẹ đến mức không thèm nhìn dù vẫn thấy.

Tiếp tục "truy vết", cô phát hiện đã có sự khác biệt ở bài thơ này trong tập thơ Sao phải đau đến như vậy với các văn bản khác. 

Tác giả bài thơ - anh Nguyễn Phong Việt thừa nhận: "Đã có một sơ suất nhỏ trong tập thơ  khiến cho phần trích dẫn trong đề thi đã bị ảnh hưởng. Đó là phần trình bày của bài thơ Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con… trong tập thơ, đã bị lỗi xuống dòng không chính xác ở khổ thơ thứ 4.

Lẽ ra câu thơ thứ 3 và thứ 4 trong khổ thơ thứ 4 phải nối liền nhau (không được xuống dòng) thì mới đảm bảo đúng nhịp điệu của câu thơ, và như thế cũng sẽ rõ nghĩa hơn cho người đọc. Chính vì lỗi trình bày của tập thơ, đã dẫn đến phần trích dẫn mà các thầy/cô ra trong đề thi cũng bị ảnh hưởng theo".

Anh nhận lỗi về phía mình và gửi lời xin lỗi đến tất cả thầy cô ra đề, chấm bài, những HS và phụ huynh quan tâm đến bài thơ; cho rằng điều này có thể tác động đến tâm lý của HS khi làm bài. Đồng thời mong những thầy cô chấm bài sẽ thông cảm và thấu hiểu cho phần trình bày của HS.

Nhưng anh tin rằng việc đọc hiểu, nắm bắt bản chất thông điệp của hai đoạn thơ sẽ không bị sai lệch. Vì tựu chung, thông điệp của đề thi là những điều mà người đọc muốn nói với sự cân cần mà mẹ và gia đình đã trao cho họ.

Anh Nguyễn Phong Việt - tác giả bài thơ. Ảnh: NVCC

Trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, nhà thơ kể lại vào mùa hè năm 2017, anh đã đọc quá nhiều tin tức tiêu cực về bạo hành gia đình, con cái có những hành xử không tốt với cha mẹ.

"Ở góc độ một người con và một người cha trong gia đình, khi đọc những tin tức đó tôi cảm thấy rất đau lòng, ngậm ngùi vì sợi dây liên kết huyết thống, gia đình là một điều cực kỳ thiêng liêng.

Thêm việc chính bản thân tôi cũng đã có những giây phút làm cha mẹ buồn lòng. Vì những năm tháng ngang bướng, cố chấp của tuổi trẻ, khi tôi không nghe lời, từ chối sự quan tâm của bố mẹ vì cho rằng những điều đó làm phiền tới cuộc sống cá nhân của mình" -  anh bộc bạch.

Từ những cảm xúc đó, anh đặt bút viết nên bài thơ Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con…. Bài thơ được anh viết trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Với anh, đó là "quá trình chuyển giao cảm xúc từ trong suy nghĩ thành câu chữ", là một cái giật mình nhìn nhận lại giá trị yêu thương chân thành trong cuộc đời của một người con.

Khi biết bài thơ của mình trở thành đề thi, nhà thơ cảm thấy biết ơn và may mắn vì tác phẩm đã có giá trị nhất định, để mọi người lan tỏa theo một cách tích cực nhất. Qua đó, anh cũng gửi thông điệp con người nên dũng cảm nói ra lời yêu thương với những người thân của mình.

Nhà thơ tâm sự: "Một suy nghĩ, một lời nói yêu thương được nói ra không chỉ làm người nói thấy vui vì được bày tỏ cảm xúc, mà người tiếp nhận cũng thấy vui nhìn thấy những người họ yêu thương đã nói lên sự biết ơn, cảm xúc của mình. Vì vậy, khi có gia đình, con cái, đừng ngần ngại mà hãy chủ động nói ra những lời yêu thương".

Bài thơ Mẹ vẫn luôn ở đây để ôm con… nằm trong tập thơ Sao phải đau đến như vậy. Ảnh: NVCC

Nên sử dụng những bài thơ mới, bài hát vào đề thi NLXH

Trước đó, vào tháng 5, bài hát Đi về nhà của Đen Vâu và Justatee trở thành đề thi thử tốt nghiệp môn Văn của trường THPT Bùi Thị Xuân cũng tạo được sự chú ý.

Nói về điều này, nhà thơ Nguyễn Phong Việt rất mong thầy cô sẽ đưa nhiều bài hát, bài thơ mới hiện nay vào đề thi. Anh cho rằng mỗi thế hệ HS sẽ có một trải nghiệm, nhận thức, hiểu biết, cảm xúc khác nhau. Khi lớn lên trong thời kỳ có nhiều phương tiện giải trí, điều kiện sống tốt hơn, HS ít phải trải qua khó khăn, thử thách thì trải nghiệm cuộc sống của HS cũng sẽ khác đi.

Vì vậy, đề thi Văn không chỉ đề cập đến những tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới mà còn cần hướng đến những tác phẩm sáng tạo trong giai đoạn này. Đó có thể là truyện ngắn, câu chuyện về những người tốt việc tốt trong xã hội, bài thơ, bài hát của những tác giả trẻ hay một hiện tượng xã hội vừa diễn ra tức thì,...

"Nó khiến cho người viết có sự gợi mở, thay vì áp đặt trong khuôn khổ. Sự gợi mở khiến thầy cô có cái nhìn toàn diện với HS. Và khi HS được ra khỏi tất cả khuôn khổ, công thức thì các bạn hoàn toàn có thể phát triển tối đa khả năng sáng tạo trên câu chữ. Tôi tin  rằng những đề mở như vậy là sự thúc đẩy phát triển và sáng tạo trong cảm xúc cho cả thầy cô và HS" - anh nói.

Nói về những chủ đề của đề văn nghị luận xã hội, nhà thơ cho rằng GV nên hướng tới những giá trị nhân văn, gia đình, giá trị văn hóa gốc rễ của người Việt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm