'Ngày 20 -11, không tặng phong bì thì biết tặng gì?'

Những ý kiến của phụ huynh nghiêng về phương án ủng hộ việc tặng quà và phong bì cho thầy cô giáo. Nhiều phụ huynh đã chia sẻ những cách làm hay để việc trao và nhận quà giữa hai bên sao cho vui vẻ và vẫn giữ nguyên được giá trị của ngày lễ tri ân thầy cô.

Về phía giáo viên khi chia sẻ về vấn đề này với PLO thì mỗi người một tâm trạng nhưng tựu chung lại các giáo viên không lưu tâm đến việc quà tặng như thế nào, phong bì ra sao mà họ chỉ quan tâm đến tấm lòng và thái độ của người tặng.

 ‘Ngày 20-11, quà có chăng là nải chuối, cây mía,…’

Đó là những lời tâm sự thật lòng của các thầy cô giáo ở các vùng sâu, vùng xa. Đời sống người dân và học sinh còn nhiều khó khăn thì lấy đâu ra quà cáp, phong bì để tặng thầy. Đối với họ món quà quý và lớn nhất là sự tôn sư trọng đạo, là con trẻ học giỏi biết kính trọng thầy cô.

Bạn đọc Đặng Đình Vinh kể câu chuyện thật của mình: “Tôi là một giáo viên công tác tại một xã đặc biệt khó khăn. Ở nơi đây cuộc sống phụ huynh còn bao khó khăn, để lo cho con cái được ăn học thường xuyên đến trường là giáo viên chúng tôi vui rồi. Chưa bao giờ chúng tôi đòi hỏi quà từ các bậc phụ huynh. Ngày 20-11 quà có chăng là nải chuối, cây mía,... Song chúng tôi đón nhận rất vui. Đọc bài báo về việc từ chối nhận quà với những ý kiến trái chiều khác nhau tôi thấy buồn… Quà chúng tôi cần là sự tôn sư trọng đạo, là con trẻ học giỏi biết kính trọng thầy cô. Xin mọi người đừng soi xét nhiều mà tủi thân cho nghề cao quý của chúng tôi. Những phụ huynh còn hiểu sai hãy tự suy nghĩ xem mình đã tặng quà cho thầy cô giáo là bao nhiêu so với công sức dạy dỗ con mình thành người?”.

Cũng là một giáo viên ở vùng quê nghèo khác, bạn đọc Năm An Nhứt tâm sự: “Khi còn công tác giảng dạy, tôi "sợ" nhất là ngày lễ 20-11. Ngày "bị" nhận quà từ phụ huynh học sinh. Vợ chồng tôi có lần kiên quyết không nhận quà trong ngày 20-11 mà chỉ nhận vài cành hồng cho vui. Lúc đó mọi người "cười" và cho rằng chúng tôi lập dị, làm nổi. Ngày 20-11, tôi không thích đi dự lễ ở trường cũ mà chỉ thích ở nhà chờ đón những em học sinh ngày xưa đến thăm. Có em đạt học vị, chức vụ cao, có em còn lận đận đi phụ hồ, làm ruộng,... Họ đến thăm với một cành hồng trên tay, thầy trò ngồi ăn bánh ngọt, uống trà kể lại chuyện ngày xưa. Giây phút đó sao mà đầm ấm, thân thương và trọn tình trọn nghĩa của ngày nhà giáo!”.

Bạn đọc Trần Đình Hưng lại đưa ra nhận định: “Thực ra nghĩ một cách thật rốt ráo và sâu xa thì phần thưởng lớn nhất đối với những người làm nghề dạy học đó là sự thành đạt của các thế hệ học trò. Do vậy hằng ngày các em học hành chăm chỉ, biết vâng lời, học giỏi, sống có đạo lý, có trách nhiệm. Và tương lai các em trở thành những người hữu ích là niềm vui lớn nhất của thầy cô. Phong bì, quà cáp của phụ huynh chỉ là phù du, không nên nặng nề và quá bận tâm đến vấn đề này. Bởi lẽ ai đó có nhận được nhiều phong bì, quà cáp nhưng phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp không tôn trọng trong ngày thường thì chắc gì đã có niềm vui trọn vẹn và đúng nghĩa trong ngày 20-11?”.

Một giáo viên khác lại cho rằng, thay vì nhận phong bì trong ngày 20-11, chi bằng nhận được một bông hoa, một lá thư, một cuộc điện thoại mà lòng được an ủi, chứa chan hạnh phúc.

Quan trọng là tấm lòng

Đa phần phụ huynh gửi chia sẻ về vấn đề tặng quà và phong bì nhân ngày 20-11 đều đồng tình ủng hộ. Bạn đọc Minh Dũng cho biết một năm học chỉ có một ngày lễ tết của các thầy cô giáo. Chúng ta không nên khắt khe và lăn tăn về chuyện quà cáp mà không khí mất vui. “Tôi là một phụ huynh, tôi luôn ủng hộ các cháu biếu quà thầy cô giáo. Cách tặng quà phải tự nguyện và tuỳ tâm của phụ huynh và các cháu. Tặng quà cũng là cách tỏ lòng tri ân và biết ơn thầy cô giáo”- anh Dũng nói.

Một số phụ huynh khác lại lo lắng không biết bằng cách nào để tặng quà cho thầy cô giáo? Bạn đọc Bích Duyên đặt câu hỏi “không tặng phong bì thì biết tặng gì?”. 

Vấn đề này được sự chia sẻ khá nhiều kinh nghiệm từ bản thân của các bậc phụ huynh có kinh nghiệm. Bạn đọc Thu Hương chia sẻ: “Mình cũng có con đi học, lễ hay tết để cảm ơn cô mình chỉ tặng phong bì thôi. Thường mình nói: "em muốn mua quà tặng cô mà không biết mua quà gì cho hợp, thôi em tặng “cái này” để cô thích gì thì mua giúp em nha. Cảm ơn cô!". Như vậy cả cô giáo, cả mình đều vui. Quà hay phong bì đâu có quan trọng, quan trọng là cả cô, cả phụ huynh khi tặng và nhận đều thấy vui, thoải mái thôi!”.

Bạn đọc Mẹ Sony cũng lấy kinh nghiệm từ bản thân và chia sẻ với bạn đọc khác: “Các phụ huynh có lẽ nên đầu tư đến cách tặng quà hơn là món quà. Tôi đã thấy một hàng dài phụ huynh đứng trước cửa lớp trong giờ đón con (học sinh còn ngồi trong lớp) để "tranh thủ" tặng quà cho thầy giáo. Người đưa quà có gói cẩn thận, người đưa phong bì, người đưa thẳng tiền mặt không bỏ phong bì. Mặt thầy giáo lúc đó đúng là tội nghiệp. Không nhận thì sợ phụ lòng phụ huynh, mà nhận thì... Nên chăng các phụ huynh hãy đặt tấm lòng mình khi tặng quà 20-11 cho thầy cô. Khi mình có lòng biết ơn thầy cô thật sự, mỗi người đều sẽ biết tự chọn cho mình một cách tặng quà phù hợp mà khiến thầy cô hạnh phúc vì được trân trọng và khiến các con cũng học được một bài học về lòng biết ơn. Khi đó, việc tặng cái gì, quà hay phong bì đều không quan trọng nữa”.

Chủ đề ngày 20-11, có nên tặng phong bì cho giáo viên, vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Chúng tôi sẽ tiếp tục đón nhận thêm những chia sẻ, góp ý của phụ huynh và những người trong ngành giáo dục. Bạn đọc có thể gửi ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài viết này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm