Nên bỏ đại học quốc gia, đại học vùng

Sau khi rời cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) năm 1986 để về hưu, năm 1996, Giáo sư Trần Phương đã sáng lập và là Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho đến nay. Tâm huyết với nền giáo dục nước nhà, Giáo sư Trần Phương đã trình bày những ý kiến của mình  với xung quanh dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Dự thảo này nên có sự tu chỉnh lại một cách cẩn thận, nếu không muốn nói là viết lại một số đoạn.

Trước hết, theo tôi không nên chỉ quy định thời gian học mà cả kiến thức. Khi phát triển ĐH, cũng phải tính đến khả năng học của con người. Có người không học 4 năm được do năng lực hoặc tài chính hạn chế, nên cấp ĐH nên giảm xuống, có thể tối thiểu là 2 năm. Trước đây, bộ hay làm chương trình khung, nhưng kết quả không đi đến đâu. Theo tôi chỉ nên quy định khung chương trình chứ không phải chương trình khung.

Về điều kiện vào ĐH thì chỉ cần lấy THPT làm chuẩn. Bây giờ ta lo ngại như thế không tốt nhưng chờ 10 năm nữa cũng chả tốt được hơn. Để điểm sàn có thể “hớt” được học sinh giỏi, nhưng thí sinh dân tộc thiểu số không theo được điểm sàn của bộ. Mà những đối tượng này không vào được ĐH thì ai sẽ làm thay ở vùng khó khăn? Tôi đề nghị bãi bỏ thi tuyển kiểu “3 chung” và điểm sàn, đương nhiên cả việc bộ năm nào cũng tổ chức tuyển sinh. Việc đó là của các trường. Phải chấp nhận sự phân tầng. Như trường tôi đào tạo 15 năm rồi, có người ra trường vào ngay ngân hàng lấy lương vài ngàn đô, trong khi nhiều em lương 3 triệu đã vui. Chấp nhận sự phân tầng có lợi cho các ĐH vùng miền.

Theo tôi, nên bỏ ĐH quốc gia và ĐH vùng. Rất vô lý khi có bộ rồi lại tách ĐH quốc gia ra. Như thế là lộn xộn, trường ĐH bị trùm lên bởi... trường ĐH.

Nên bỏ đại học quốc gia, đại học vùng ảnh 1

Theo Giáo sư Trần Phương thì nên bỏ đại học quốc gia. Ảnh: GIANG HUY

Về quản lý nhà nước với giáo dục đại học, tôi cho rằng dự luật nói về vấn đề này vẫn bị chi phối bởi tư tưởng quản cho chặt, nhưng theo tôi phải tính tới mặt bung ra. Ví dụ như thành lập trường đại học làm sao phải cần đến Thủ tướng với bộ trưởng cho phép? Các nước khác việc thành lập trường đăng ký như một công ty. Ở ta đang ở thời kỳ này thì có lẽ chỉ cần đăng ký với bộ thôi. Tôi đề nghị bỏ quản lý hành chính về thành lập, sáp nhập, giải thể trường.

Việc phân cấp quản lý cho tỉnh theo tôi là hài hước. UBND tỉnh không có thời gian mà nghĩ tới, sẽ lại giao cho sở giáo dục và đào tạo. Về việc bộ trưởng công nhận hiệu trưởng thì câu hỏi đặt ra là vậy bộ trưởng biết gì về hiệu trưởng mà công nhận hay không công nhận? Các trường nay bầu hiệu trưởng này, mai bầu hiệu trưởng khác, việc gì mà phải xin bộ?

Về điều kiện thành lập trường yêu cầu có 50 tỉ đồng vốn, giáo viên cơ hữu, đất bao nhiêu... Đây là việc đặt con trâu trước cái cày. Đã cho phép đâu mà yêu cầu người ta có đủ 50 tỉ?

Về những việc bộ làm thay trường như in phôi bằng - tại sao các trường có quyền đào tạo mà không có quyền in bằng? Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh thì chả có lý luận nào là khống chế chỉ tiêu mới bảo đảm chất lượng đào tạo. Chất lượng còn phụ thuộc nhiều cái như ký túc xá, thư viện, máy tính... Nay chỉ lo khống chế chỉ tiêu tuyển sinh là không đúng. Ngoài ra, theo tôi, không đạt chỉ tiêu tuyển sinh mới đáng bị phạt gấp 10 lần các trường vượt chỉ tiêu. 

Luật Giáo dục đại học phải theo tư tưởng bung ra để phát triển. Tôi đề nghị hẳn một chương về quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục. Như hiện nay thì bộ vẫn coi các trường như con nhỏ phải bú. Bộ giữ quyền cho phép mở ngành là quá bảo thủ, hãy bãi bỏ quyền đó, ghi hẳn: Trường có quyền mở ngành đào tạo, thiết lập chương trình đào tạo cho ngành mới mở.

Không nên khống chế trường công, bị phụ thuộc ngân sách nhà nước, được cấp bao nhiêu thì lấy sinh viên theo được cấp. Nay đang rất lãng phí từ cơ sở vật chất đến giảng viên. Năng lực trường công rất lớn, giảng viên công lập đang rỗi, còn đi thỉnh giảng cho trường tư. Vì vậy không nên khống chế chỉ tiêu thì mới tận dụng hết năng lực trường công. 

Ngân Anh ghi (Theo Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm