Nâng cấp 115.000 cán bộ y tế trung, sơ cấp

Như vậy, cả ngành y tế trong 10 năm tới sẽ phải chuẩn hóa hơn 115.000 cán bộ là điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược từ trình độ trung cấp, sơ cấp lên CĐ.

Thông tin trên được nêu ra tại hội nghị triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức ngày 17-3 tại TP.HCM.

GS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết năm 2015, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ban hành năm thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế nhằm chuẩn hóa đội ngũ này.

Một giờ thực tập của điều dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: TÙNG SƠN

“Chúng ta đã hội nhập với ASEAN thì nhân viên y tế, bác sĩ, điều dưỡng cũng có thể đi sang các nước trong khu vực làm được và ngược lại. Chúng ta không hòa nhập nhưng đẳng cấp khác nhau thì dễ thua trên sân nhà, nếu không cẩn thận thì nhân viên y tế sẽ thất nghiệp vì các BV nhận nhân viên nước ngoài” - GS Tiến nói.

GS Tiến cho rằng thực trạng nhân lực trung cấp trong các BV rất nhiều, ngay cả các BV hạng đặc biệt. Đến năm 2021, các BV sẽ không tuyển nhân lực trình độ trung cấp và quyết tâm 2025 sẽ không còn trình độ trung cấp hành nghề y,  dược trên đất nước Việt Nam.

“Có hai lý do phải đưa ra như vậy. Thứ nhất là nâng cấp nhân lực y tế lên. Thực tế ngày xưa có y tá đào tạo 3-6 tháng, một năm, chỉ biết tiêm bắp là được. Còn điều dưỡng hiện nay đòi hỏi sử dụng, theo dõi máy móc nhuần nhuyễn, thực hiện những kỹ thuật theo y lệnh bác sĩ chứ không chỉ đo huyết áp và tiêm. Do vậy phải học nâng cấp, ít ra là CĐ. Thứ hai, chúng ta cam kết với cộng đồng ASEAN là các năm sau trình độ nhân lực y tế phải là CĐ. Có những nước người ta đã thực hiện rồi, có nước gần hoàn chỉnh, còn Việt Nam thì mới bắt đầu manh nha” - GS Tiến cho biết.

GS Tiến cho rằng cần nhìn nhận, đánh giá lại việc dạy học như thế nào, lực lượng trình độ trung cấp, CĐ, ĐH phân bố tỉ lệ ra sao để có trách nhiệm với đất nước. “Chúng ta được quyền tuyển dạy mà không cẩn thận sẽ thiếu các chuyên ngành, chuyên khoa. Ngược lại còn một lực lượng rất đông đào tạo ra không xin việc được vì xã hội chưa có nhu cầu như vậy” - GS Tiến nói thêm.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là bất cập và vênh rất lớn giữa nhu cầu sử dụng cán bộ và đào tạo cán bộ. Ngành y tế sử dụng lực lượng đào tạo ra nhưng cho phép đào tạo bao nhiêu là Bộ GD&ĐT. Bộ Y tế sẽ làm việc và trao đổi rõ ràng với Bộ GD&ĐT.

Theo Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Y tế, năm 2015 cả nước có 76 cơ sở đào tạo trình độ CĐ, 41 cơ sở đào tạo trình độ ĐH khối ngành sức khỏe với quy mô tuyển sinh năm 2015 là hơn 30.000 chỉ tiêu CĐ, hơn 24.000 chỉ tiêu ĐH (trong đó có chỉ tiêu liên thông vừa làm vừa học là gần 19.000 chỉ tiêu/năm). Như vậy, với lộ trình 10 năm, các cơ sở đào tạo hoàn toàn có đủ năng lực đào tạo chuẩn hóa số viên chức có trình độ trung cấp của các đơn vị sự nghiệp y tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm