Mỹ: Phụ huynh không mặn mà lắm với SGK điện tử

Tôi có đọc báo về việc đầu tư học SGK điện tử. Bản thân tôi không nghĩ đó là một ý hay và nếu vì một lý do nào đó TP nhất định làm thì cần cân nhắc rất kỹ và thí điểm trên diện nhỏ.

Quan trọng nhất, học qua sách điện tử làm giảm tương tác giữa thầy trò và học sinh với nhau, mà quan hệ đó rất quan trọng, có thể quan trọng hơn kiến thức học được, nhất là ở độ tuổi tiểu học. Việc này có thể ảnh hưởng mạnh đến phát triển tính cách của trẻ theo hướng tiêu cực. Ta đang nói đến cả một thế hệ, hàng trăm ngàn cháu. Trách nhiệm của việc này rất nặng.

Học qua sách điện tử cũng phức tạp về mặt kỹ thuật, chẳng hạn khi cần dùng 2-3 cuốn sách một lúc để đối chiếu, so sánh, rất khó trên một màn hình nhỏ. Ngay cả những nhà nghiên cứu cũng đọc qua máy tính khi đi công tác thôi, còn phần lớn vẫn dùng sách in. Không thể tránh khỏi việc trẻ dùng máy tính bảng để chơi. Thật ra việc trẻ con thích chơi trò chơi điện tử là xu hướng không thể tránh được nhưng nếu là chơi trên một máy tính riêng biệt, phụ huynh ít nhất có thể giới hạn được thời gian, còn nếu máy tính dùng lẫn trong việc học thì không thể kiểm tra được. Ngoài ra, việc dùng máy tính nhiều, nhất là ở độ tuổi nhỏ ảnh hưởng rất không tốt đến sức khỏe.

Việc dùng SGK trên máy tính cũng được thực hiện ở Mỹ nhưng chỉ đang ở bước thí điểm. Chẳng hạn, học sinh cấp 2 ở khu tôi ở trong bốn năm thì có một năm dùng máy tính và cả khối cũng chỉ có một số lớp. Phụ huynh không mặn mà lắm.

Cái thật sự cần nâng cấp ở giáo dục phổ thông là chất lượng giảng dạy và SGK. Tôi không nghĩ đổ thật nhiều tiền vào trang bị kỹ thuật sẽ mang lại lợi ích gì nhiều. Sự tận tâm và tay nghề của thầy cô giáo quan trọng hơn nhiều lần nên lương bổng của họ mới là điều cần quan tâm. Ngoài ra, nếu tôi nhớ không nhầm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có nói chi phí để cải tổ SGK thật tốt chỉ độ 100 tỉ đồng, tức là dưới 3% số tiền 4.000 tỉ đồng (chỉ riêng cho TP.HCM).

GS VŨ HÀ VĂN (ĐH Yale, Mỹ)

PHONG ĐIỀN ghi

Ông TRỊNH NGỌC THẠCH,Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

Không có lợi

Theo tôi, đề xuất sử dụng máy tính bảng trang bị cho học sinh lớp 1 đến lớp 3 mà Sở GD&ĐT TP.HCM đề cập trong Đề án Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015” là không phù hợp.

Thứ nhất: Truyền thống cũng như phương pháp giáo dục Việt Nam lâu nay vẫn coi trọng việc rèn luyện học sinh viết chữ bằng tay. Qua rèn luyện sẽ giúp các em học được tính kiên trì, sáng tạo sao cho có được những nét chữ đẹp đẽ, thẳng hàng. Nên chúng ta vẫn thường nói với nhau rằng rèn chữ cũng như rèn người. Nét chữ cũng như nết người. Nay có máy tính bảng rồi các em sẽ không rèn chữ nữa thì rất là không tốt, không phù hợp, cần phải xem xét lại.

Thứ hai: Về máy tính bảng thì phải khẳng định đó là công nghệ tốt rồi và nó cũng có những ưu điểm và nhược điểm nhất định của nó. Và để phát huy được ưu điểm của nó thì đối tượng sử dụng phải phù hợp với lứa tuổi, chứ nếu không nó sẽ gây hại nhiều hơn so với lợi ích đem lại. Nhất là đối với các em học sinh lớp 1 đến lớp 3 thì chưa phù hợp, sớm quá.

Thứ ba: Nếu thực hiện đề án trên chúng ta sẽ phải huy động một khoản tiền rất lớn để mua sắm máy tính bảng cho các em. Hiện giá máy tính bảng chiếc rẻ cũng 5-7 triệu đồng, thậm chí có chiếc giá hàng chục triệu, với mức giá trên thì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để có thể mua sắm cho các em.

HUY HÀ ghi

Ông ĐỒNG PHƯỚC VINH, Giám đốc Công ty TNHH  Sách điện tử Trẻ (Ybook):

Nội dung mới là cái cần đầu tư trước

Đề án trang bị hàng trăm ngàn tablet đang có cách tiếp cận hoàn toàn ngược và vô lý vì chỉ chăm chăm vào mục tiêu bán máy. Nếu thật sự muốn giúp học sinh tiếp cận cách học hiện đại thì chỉ cần tập trung cung cấp nội dung sao cho bất cứ máy tính, tablet nào cũng có thể sử dụng được. Cách tiếp cận này tạm gọi là tiếp cận theo hướng phần mềm, cụ thể như sau:

- Để giúp học sinh tiếp cận thiết bị hiện đại thì cần có kho nội dung trước, tablet chỉ là phương tiện để tiếp cận kho nội dung này. Cách triển khai hiệu quả và tiết kiệm nhất là ngành giáo dục đứng ra xây dựng một kho nội dung (theo mô hình app store, tạm gọi là “app store giáo dục” - kho ứng dụng) và công bố các quy chuẩn, tiêu chí về kỹ thuật, nội dung. Bất cứ lập trình viên, giáo viên hay doanh nghiệp nào cũng có thể viết ra các ứng dụng (chuyển tải nội dung sách giáo khoa điện tử, giáo án điện tử, bài giảng…) để gửi lên kho nội dung này. 

- “App store giáo dục” sẽ tạo ra cách tiếp cận hợp lý và cực kỳ tiết kiệm là phụ huynh có thể dùng bất cứ loại máy nào mà họ đang có, chỉ cần cài thêm ứng dụng vào là con họ có thể tiếp cận sách giáo khoa điện tử.

TỐ NHƯ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm