Một nông dân hiến 3.000m2 đất xây dựng trường học

Chính vì vậy, gần 200 học sinh tiểu học và 19 thầy cô giáo của trường được học tập và giảng dạy trong ngôi trường mới với 16 phòng khang trang cùng cơ sở vật chất và sân chơi, thầy Hiệu trưởng cho biết.

Là một xã vùng sâu thuộc căn cứ kháng chiến Bưng Xẩm trước đây, đường đi vào rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên xã có tới bốn trường tiểu học để giảm bớt sự khó khăn trong việc đi lại cho các em học sinh.

Riêng trường tiểu học Hòa bình C trước năm 2009 có tới ba điểm học ở cách xa nhau, vừa khó cho con em đi học, vừa bất tiện cho sự quản lý của nhà trường và giảng dạy của giáo viên.

Thấu hiểu khó khăn của nhà trường, của địa phương về mặt bằng xây dựng trường, với mong muốn tạo điều kiện cho con em địa phương có ngôi trường khang trang như các xã khác trong vùng, ông Chiến bàn bạc với gia đình và quyết định hiến gần 2.000m2 đất cho trường. Vị trí đất ông cho là khu vực đã san lấp làm sân bóng đá mini để bớt công san lấp mặt bằng cho nhà trường.

Với diện tích này, ngành giáo dục khẩn trương hoàn tất các thủ tục xây dựng và đầu tư trên 2,2 tỷ đồng xây dựng 10 phòng học khang trang, đạt chuẩn đã nhanh chóng được đưa vào phục vụ học sinh và thầy cô trong năm học 2009-2010.

Rồi ông Chiến lại được biết dù đã xây dựng mới 10 phòng học nhưng trường Hòa Bình C vẫn chưa có các phòng chức năng như thư viện, phòng y tế học đường, phòng thiết bị và chưa đủ diện tích sân chơi cho học sinh như yêu cầu của trường chuẩn quốc gia.

Một lần nữa ông Chiến lại bàn tính trong gia đình và quyết định hiến thêm 1.000m2 đất nữa cho nhà trường. Mùa hè năm 2010, trường Hòa Bình C được ngành giáo dục đầu tư tiếp 2 tỷ đồng xây dựng sáu phòng chức năng và sân chơi cho học sinh.

Chuẩn bị cho năm học mới 2010-2011, thầy và trò trường tiểu học Hòa Bình C có ngôi trường khang trang, kiên cố với đầy đủ phòng học, các phòng chức năng và sân chơi đủ tiêu chuẩn như quy định của trường chuẩn quốc gia. Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Trà Ôn đang tiếp tục đầu tư các trang thiết bị và sẽ tiến hành các thủ tục đề nghị được công nhận đạt chuẩn quốc gia cho trường tiểu học Hòa Bình C trong thời gian sớm nhất.

Là người con của vùng căn cứ Cách mạng Bưng Xẩm, trong kháng chiến, thế hệ những người như ông Chiến ít có điều kiện được học hành. Sau ngày miền Nam giải phóng, được cha mẹ cho 3.000m2 đất làm vốn, hai vợ chồng ông Chiến vừa làm ruộng, vừa chăn nuôi, vất vả, tằn tiện mưu sinh.

Sau nhiều năm cần cù trên mảnh đất này, hai vợ chồng ông Chiến đã dành dụm mua thêm 10.000m2 đất nữa để canh tác. Khi mua, đất là vùng bưng trũng, hàng năm vợ chồng ông phải bồi đắp, cải tạo dần để trở thành vùng đất canh tác tốt như bây giờ. Vất vả là vậy, nhưng khi địa phương cần, ông không tính toán thiệt hơn, sẵn lòng hiến tặng phần tài sản quý giá nhất của người nông dân là ruộng đất để xây trường học cho con em quê nhà.

Theo Phạm Thị Bình (TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm