Mẹ không cho con đi học: Tòa sẽ xem xét

Ngày 22-12, nói về việc chị TTHN (trú khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không cho con là cháu VTH (11 tuổi) đi học (Pháp Luật TP.HCM đã thông tin), ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch phường Hoàng Liệt, cho biết phường đã nhiều lần cố gắng thuyết phục chị N. cho con đi học. Trong sinh hoạt hằng ngày, chị N. không hề có vấn đề gì, chỉ khi nhắc đến cháu H. thì lập tức cáu gắt, phản đối vì sợ có người hại.

Nhiều lần lực lượng chức năng đến nhà làm việc với người mẹ của bé H. nhưng chỉ có thể nhìn qua cửa sổ. Ảnh: TUYẾN PHAN

“Mỗi lần cán bộ phường đến cũng chỉ có thể nhìn qua ô cửa, ngay cả đồng chí chủ tịch quận xuống cũng vậy. Mình không thể bắt người ta mở cửa ra” - ông Hải nói.

Theo ông Hải, hiện nay không thể khẳng định chị N. bị bệnh vì công an, cán bộ phường đã tìm hiểu nhưng không có bệnh án. Thời gian đầu cháu H. rất xinh và hoạt bát nhưng hiện nay thì tỏ ra chậm chạp. Khi được hỏi muốn đi học hay không thì cháu nói chỉ muốn ở nhà với mẹ. Phường đã nhiều lần mời phía gia đình chị N., kể cả chồng cũ của chị đến để tuyên truyền nhưng đều không đạt kết quả. Mấu chốt để giải quyết vụ việc là người thân ruột thịt của chị N. và cha đẻ của cháu H. phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, cả người nhà và anh VQH (chồng cũ của chị N.) đều thiếu hợp tác. Chỉ cần đề cập đến cháu bé, cha của cháu lập tức lảng tránh.

Theo ông Hải, cần phải giải quyết vụ việc hết sức cẩn thận, xử phạt hành chính mới chỉ là một phần. “Chúng ta phải tách hai mẹ con ngay lập tức khi ra quyết định xử phạt, nếu không có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Hơn thế, đằng sau câu chuyện để cháu có thể đi học còn rất nhiều vấn đề cần phải lưu ý. Ví dụ như ai sẽ nuôi cháu bé. Nếu đi học, cháu học lớp nào (bởi H. chưa đi học bao giờ), thuộc diện nào để địa phương có thể trợ cấp…” - ông Hải nói.

Trả lời câu hỏi có biện pháp nào mạnh hơn để giúp đỡ cháu, ông Hải cho rằng cha đẻ của cháu H. phải có ý kiến với tòa án, tòa sẽ sẵn sàng tạo điều kiện giải quyết vụ việc. Bởi dù đã ly hôn, cháu H. thuộc quyền nuôi dưỡng của chị N. nhưng chồng cũ của chị vẫn có thể can thiệp.

Ông Hải cũng cho hay thời gian tới phường sẽ tập trung thay đổi nhận thức cho mẹ và cháu bé bằng việc phối hợp với trường tiểu học và tổ dân phố tổ chức một lớp học khu vực trước cửa nhà chị N., kích thích ham muốn giao tiếp cộng đồng, từ đó thay đổi hành vi. “Trước mắt là tuyên truyền, vận động để từng bước có kết quả tốt đẹp nhất, vừa đúng pháp luật vừa đảm bảo nhân văn. Không đơn thuần là chỉ đưa mẹ cháu vào trại tâm thần hoặc cháu vào trung tâm” - vị phó chủ tịch chia sẻ.

PV cũng đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với chồng cũ của chị N. nhưng đều không được. Trong khi đó, ông TQ (anh của chị N.) cho biết nhiều năm qua gia đình vẫn khuyên can nhưng em gái không nghe. Ông Q. đoán em gái mình bị trầm cảm. Trước đây, gia đình ông không đồng ý cho chị N. lấy anh H. nhưng chị vẫn cương quyết. Tuy nhiên, năm 2007, sau khi cưới không lâu thì vợ chồng chia tay, chị N. một mình nuôi con nhỏ. Quá nhiều chuyện xảy ra khiến chị bị ảnh hưởng đến tâm lý.

Theo tìm hiểu của PV, UBND quận Hoàng Mai trước đó đã có báo cáo và xin chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về vụ việc của cháu H. Từ khi phát hiện sự việc, quận đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với UBND phường Hoàng Liệt và các đơn vị tổ chức tuyên truyền, vận động để gia đình cho cháu H. đi học nhưng đều không đạt kết quả.

Ngoài việc tuyên truyền, Phòng LĐ-TB&XH quận Hoàng Mai cũng có hướng dẫn UBND phường lập hồ sơ để xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quyền trẻ em của chị N. theo Nghị định 144/2013. Ngoài ra, UBND quận Hoàng Mai đã có chỉ đạo trong trường hợp vận động không đạt kết quả, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với công an quận, Sở LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan để thu thập toàn bộ hồ sơ vụ việc chuyển TAND quận xem xét, giải quyết theo đúng quy định pháp luật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm