Mầm non ngoài công lập mong hỗ trợ

Ngày 11-2, Ban Văn hóa xã hội (VHXH), HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc về công tác quản lý đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại phường Linh Trung và UBND quận Thủ Đức.

Mỗi tháng bù lỗ 20-30 triệu đồng

Buổi sáng, đoàn khảo sát do ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VHXH, HĐND TP.HCM làm trưởng đoàn đã đến thăm Lớp mầm non tư thục Thỏ Trắng thuộc khu phố 4 của phường Linh Trung. Cơ sở này nằm trong khu chung cư Bình Minh thuộc Công ty Công ích quận Thủ Đức. Cơ sở vật chất khá khang trang với diện tích gần 700 m2, gồm chín phòng học và phòng chức năng, đáp ứng hơn 300 trẻ nhưng vì mới hoạt động được một năm nên số trẻ hiện chỉ hơn 30, chia làm hai nhóm nhà trẻ và nhóm 3-4 tuổi do năm giáo viên phụ trách.

Bà Lê Thị Lệ Hường, chủ đầu tư lớp mầm non này, cho hay bà thuê mặt bằng với giá 18 triệu đồng/tháng để nhận nuôi dạy trẻ cho con em trong khu chung cư và khu vực xung quanh. Bà vay ngân hàng hơn 700 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, sửa sang và mua sắm trang thiết bị nhưng đến nay nguồn thu vẫn không đủ bù chi.

Sau gần hai tuần đóng cửa, nhóm trẻ tư thục Tâm Sen đã được hoạt động trở lại sau khi điều chỉnh bếp ăn một chiều theo đúng quy cách. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Bà Hường cũng cho hay có khoảng 10 trẻ gửi ở đây là con em công nhân lao động. Trung bình mỗi tháng phụ huynh phải đóng 1,4 triệu đồng/trẻ đối với nhà trẻ và 1,25 triệu đồng/trẻ đối với trẻ mẫu giáo. Nhu cầu nhiều nhưng Nhà nước không có chế độ hỗ trợ cho con em công nhân, cũng không hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các chủ trường nên khi mở trường gặp nhiều khó khăn về tài chính và khó thu hút trẻ. Chưa kể có tháng các giáo viên phải chịu thu nhập thấp để cùng gánh vác khó khăn với nhà trường.

Ông Lê Quốc Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung, cho rằng nhu cầu gửi trẻ rất lớn nhưng trường lớp dành cho trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi không đáp ứng đủ, nhất là trường công lập, riêng các nhóm tư thục có nhận giữ nhưng lại thiếu yêu cầu về sư phạm. Ông Đạt đề nghị TP quan tâm đầu tư xây thêm trường ngay gần KCX Linh Trung 1, đảm bảo giá rẻ để giải quyết khó khăn cho người lao động. Đồng thời, TP cần khuyến khích các công ty có đông lao động thành lập cơ sở giữ trẻ, tạo thuận tiện cho con em công nhân chứ để địa phương gánh vác là rất nặng.

Cần hỗ trợ từ Nhà nước

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo phường Hiệp Bình Phước cũng kiến nghị rất nhiều giáo viên, cán bộ, nhân viên trông giữ trẻ ngoài công lập hiện nay thiếu kiến thức chuyên môn, cần được đào tạo nhưng chưa có điều kiện học. Nhà nước phải mở thêm nhiều và thường xuyên các lớp bồi dưỡng, đào tạo, không nên chạy theo sự việc để mở ồ ạt rồi thôi. Chương trình bồi dưỡng cũng không nên cào bằng giữa những người đã từng được đào tạo bài bản và những người chưa có chuyên môn để học trong ba tháng hay vài trăm tiết khiến hiệu quả thấp.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban VHXH, HĐND TP, cho biết chính sách nhà nước không thiếu nhưng các địa phương cần phải rà soát kỹ lưỡng, nắm từng địa bàn để thống kê số trẻ cụ thể từ sáu đến 18 tháng tuổi, địa bàn nào áp lực trẻ cao, bao nhiêu trẻ được vào trường công, bao nhiêu phải gửi nơi khác, nhu cầu gửi con nhiều hay ít, có áp lực gửi con hoặc về kinh tế… để có kiến nghị, đề xuất cụ thể với TP.

Địa phương cần đánh giá lại đầu tư cho giáo dục mầm non như thế nào, về đội ngũ, phương thức quản lý, mô hình hoạt động…  để nắm được nhu cầu và mong muốn của họ là như thế nào. Các KCN-KCX phải ưu tiên chỗ học cho trẻ mầm non, trước hết những phường có trên 100 nhà trọ cần có chính sách khuyến khích xây nhà trẻ, các khu lưu trú công nhân có khu đất dành để xây nhà trẻ mà chưa triển khai được thì cần tập trung làm ngay.

PHẠM ANH - PHONG ĐIỀN

 

Gần 1.200 trẻ đang được nuôi giữ tại 307 cơ sở không phép

Chiều muộn chúng tôi có mặt tại Nhóm trẻ Tư thục Tâm Sen (đường số 6, khu phố 3, phường Linh Tây, quận Thủ Đức). Đây là nhóm trẻ mà cách nay gần hai tháng phải tạm thời đóng cửa hai tuần vì chưa kịp bố trí bếp ăn một chiều. Hiện cơ sở này nhận giữ 40 cháu, chủ yếu là con em công nhân đang làm việc tại KCX Linh Trung và các doanh nghiệp lân cận trên địa bàn phường.

Cô Phan Thị Bích Thủy, quản lý cơ sở, cho biết: “Lúc đó phường yêu cầu trong vòng ba ngày phải đóng cửa nên cũng hơi rối. Nay cơ sở đã được cấp phép, bếp ăn đã đi vào quy chuẩn, bố trí ngăn nắp đúng quy trình và đảm bảo vệ sinh cho các cháu, tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi gửi con”.

Quận Thủ Đức đã rà soát được 307 cơ sở không phép, trong đó có 14 nhóm lớp, 293 giữ trẻ gia đình với tổng số trẻ gần 1.200 trẻ. Ông Nguyễn Thọ Truyền, Phó Chủ tịch UBND quận, cho biết từ khi xảy ra vụ việc bạo hành ở nhà trẻ Phương Anh, các phường liên tục tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, yêu cầu các điểm giữ trẻ cam kết không để xảy ra tình trạng bạo hành, thiếu an toàn. Mỗi người chỉ nên nhận giữ tối đa là sáu trẻ nhưng phải có hai người giữ trở lên và phải tham gia lớp tập huấn kỹ năng nuôi dạy trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm