Lớp học cho bệnh nhân nhí

Ngồi phòng máy lạnh, bàn ghế sạch đẹp, tập sách có đầy đủ... thế nhưng học sinh không phải đóng bất cứ khoản phí nào. Đó là lớp học văn hóa “đặc biệt” dành cho bệnh nhi đang nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM.

Con học vui, mẹ hạnh phúc!

Căn phòng chừng 12 m2 nằm tại khoa Vật lý trị liệu Bệnh viện Nhi đồng 2. Thấy chúng tôi vào, các em lễ phép đứng lên chào. Trên từng khuôn mặt của các em đan xen giữa sự vui tươi và vẻ mệt mỏi do bệnh tật dày vò đau đớn. Một số em vừa học tay vừa bóp bóng để lưu thông máu. “Lớp học có hơn 10 em, đa phần là những em bị bệnh thận, nằm viện mấy năm qua. Các em học ở đây có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5 và chúng tôi dạy cho các em chủ yếu là môn toán, tiếng Việt, vẽ” - cô giáo Phạm Thị Rành, người phụ trách lớp học, cho biết.

Em Nguyễn Hoàng Bi, 11 tuổi, nguyên là học sinh Trường tiểu học Thành Công, xã Sóc Sơn, Rạch Giá (Kiên Giang), nhập viện khoa Thận máu - Nội tiết Bệnh viện Nhi đồng 2 đã một năm rưỡi. “Đáng lẽ năm nay cháu học lớp 4. Cháu rất muốn hết bệnh để trở về đi học nhưng giờ cháu vẫn phải chữa bệnh. Những lúc chạy thận người đau đớn, khó chịu nên khi được đến lớp, cháu rất vui vì được học, được cô giáo thương” - Bi vui vẻ kể.

Nằm bệnh viện “thâm niên” hơn là em Phạm Quốc Cảnh, 12 tuổi (Châu Thành, Long An). Cảnh cũng nhập viện khoa Thận máu - Nội tiết cách đây hai năm. Lẽ ra năm nay Cảnh sẽ học lớp 5 nhưng vì bệnh tật nên phải ở bệnh viện chạy thận do suy thận mạn. “Cháu học vui lắm chú à, người đỡ mệt mỏi hơn nằm ở phòng. Ngày trước, cháu học rất giỏi toán và tiếng Việt nhưng giờ cô giáo dạy, có chỗ cháu nhớ, có chỗ không” - Cảnh khoe với chúng tôi về việc học của mình.

Còn nhiều bệnh nhi khác từ khoa Bỏng - Chỉnh hình cũng đến tham gia lớp học. Chúng tôi hỏi, em nào cũng nói rất vui khi được đi học tại đây. “Bé thích đi học lắm, cứ đến 9 giờ sáng là bé nhắc “Mẹ ơi, dẫn con đi học”. Học xong về phòng lại kêu mẹ chỉ thêm những chỗ không hiểu” - chị Hoàng Thị Tuyết Mai, phụ huynh bé Bảo Trân đang điều trị tại khoa Bỏng - Chỉnh hình, tâm sự.

“Chúng tôi rất cảm ơn bệnh viện và các bác sĩ đã tận tình cứu chữa cho con em chúng tôi. Hơn thế, các bác sĩ còn dạy học cho con em chúng tôi biết chữ, theo kịp với bạn bè. Có hôm cháu được cô giáo cho 10 điểm liền gọi điện thoại về quê khoe với ba” - một phụ huynh bày tỏ.

Ý tưởng của trưởng khoa

“Thấy bệnh nhi nằm viện lâu quá, nếu mai này xuất viện về nhà đi học chắc chắn sẽ hổng kiến thức, không theo kịp bạn bè như thế rất tội cho các em, chúng tôi hình thành y tế mở lớp” - bà Lê Thị Đào, Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2, nói về ý tưởng thành lập lớp học “đặc biệt” của mình. Bà trình bày ý tưởng với ban giám đốc bệnh viện và nhận được sự đồng ý. Thế là tháng 2-2009, lớp học ra đời với hơn 10 em đăng ký.

Không có phòng ốc, bà Đào lấy luôn phòng làm việc của mình làm lớp học. Học sinh không có sách vở, bà tự bỏ tiền túi ra mua cho các em. Thấy việc làm ý nghĩa của bà Đào, các bác sĩ, nhân viên y tế khác đã đóng góp sách truyện, bút viết để ủng hộ cho lớp học.

Ý tưởng thực hiện lớp học “đặc biệt” xuất phát từ bà trưởng khoa, còn cô giáo đứng lớp cũng là một chuyên viên “đặc biệt” không kém. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Rành, cử nhân Đại học Sư phạm. Trước đó, cô Rành được học một chương trình đặc biệt chuyên tìm hiểu về trẻ bị khiếm thị, khiếm thính và trẻ chậm phát triển trí tuệ do Nhật tài trợ trong vòng 2,5 năm. Kết thúc khóa học, cô vào làm tại khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2. Từ khi lớp học được mở ra, cô Rành tự nguyện đứng lớp và dạy học một cách bài bản, mặc dù việc dạy học này là không lương.

“Trình độ các em ở đây từ lớp 1 đến lớp 5 nhưng khi kiểm tra, kiến thức các em chỉ khoảng lớp 3 nên chúng tôi tập trung vào ôn để các em nắm vững lại kiến thức đã học. Các em học cũng nhanh lắm nhưng có điều... hay quên. Nhiều em làm bài tập ở lớp rất tốt nhưng về nhà lại quên mất” - cô giáo Rành cho biết. Cũng theo cô Rành, về lâu dài, khi lớp học được mở rộng, có đông học sinh sẽ kêu gọi các bạn sinh viên, tình nguyện viên đến đứng lớp phụ với bệnh viện và cùng chung tay giúp đỡ bệnh nhi.

Trước khi rời khỏi lớp học, cô giáo Rành khoe với chúng tôi căn phòng này vừa được trang trí bằng những bức tranh do chính các em vẽ nên. Đó là những bức tranh về trường lớp, bạn bè, làng quê yên bình của các em ở quê. Những bức tranh thể hiện những ước mơ thật đơn giản của các em là được đến trường cùng bạn bè. Thế nhưng điều đó đối với một số em đôi khi còn xa lắm...

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm