Lỗ hổng tư vấn học đường - Bài cuối: Vẫn loay hoay tìm giải pháp!

Nhu cầu về tư vấn tâm lý cho học sinh (HS) trong nhà trường là có thật. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác HSSV SởGD&ĐT TP.HCM, thừa nhận: Hoạt động này mới chỉ dần đi vào ổn định thôi chứ chưa có quy mô và chiều sâu.

Ngạch lương tư vấn viên không rõ ràng

Ông Huy nói: Chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp nhất định nhưng vẫn chưa hoàn thiện vì chưa thấy hiệu quả thực sự. Sở GD&ĐT cũng đã kết hợp với Sở Nội vụ, tham mưu cho UBND TP ra văn bản chỉ đạo cho phép mỗi trường bậc THCS trở lên được biên chế một cán bộ tâm lý, tuy nhiên cơ chế lương, thưởng chưa thu hút được các giáo viên và chuyên gia tư vấn.

Các cán bộ tư vấn tâm lý ngạch lương chưa rõ ràng vì họ không được tính theo lương giáo viên, không được hưởng 35% lương ưu đãi, lương thâm niên… Vì vậy đời sống của họ còn thấp, nhiều trường phải vận động các loại quỹ hay cho học nghiệp vụ, về đứng lớp dạy thêm môn giáo dục công dân để tăng thu nhập. Dần dần đứng lớp mới được biên chế theo ngạch lương giáo viên. Việc này cũng tùy thuộc vào hiệu trưởng có quan tâm tới hoạt động tư vấn học đường này không, chứ theo tôi, chuyện nâng cao chất lượng đời sống cho các tư vấn viên cũng không khó. Chúng tôi đang chờ chỉ đạo của Bộ, vì biên chế theo ngạch lương giáo viên cần phải có chỉ đạo của Bộ và kết hợp các ban, ngành hướng dẫn về tài chính chứ không thể nói là làm ngay được.

Lỗ hổng tư vấn học đường - Bài cuối: Vẫn loay hoay tìm giải pháp! ảnh 1

Là giáo viên bộ môn giáo dục công dân nên cô Huỳnh Thị Thiên Hương (ảnh), tư vấn viên Trường THPT Hàn Thuyên, quận 3 thường tích hợp truyền tải các kiến thức về tâm lý cho học trò, đan xen với các nội dung của môn học. Khi gặp các vấn đề về tâm lý và cần được trợ giúp, tư vấn, các em có thể hỏi trực tiếp giáo viên. “Rất nhiều em khi gặp các vấn đề nhạy cảm, khó nói thường đến hỏi ý kiến hay tâm sự trong giờ giải lao, thậm chí là tại hành lang phòng học” - cô Hương cho biết.

Nhiều trường làm chống chế

. Như ông nói, hoạt động tư vấn học đường vẫn chưa có chiều sâu?

+ Nói thật, hiện nay 90% các trường có hoạt động tư vấn học đường nhưng chỉ một số trường hoạt động bài bản, số khác vẫn đang theo kiểu chống chế. Chính vì làm chống chế nên mới lấy cớ vấn đề lương bổng, chế độ chứ các trường thấy được tầm quan trọng thì họ làm khá tốt, tìm được nguồn, nhờ tổ chức để có biên chế.

Bên cạnh đó, việc đào tạo cán bộ tâm lý còn thiếu, không thể một lúc đáp ứng được nhu cầu của mấy trăm trường học ở TP.HCM dẫn tới nhiều trường sử dụng các thầy cô lâu năm hoặc thầy cô dạy môn xã hội, công tác đoàn, giám thị để kiêm nhiệm làm tư vấn viên. Một số trường xây phòng ốc chưa đúng, còn kết hợp, các tư vấn viên chưa mặn mà lắm, chưa tiếp cận, gần gũi với HS nhiều nên hoạt động kém hiệu quả.

. Kết hợp phòng tư vấn học đường với phòng đoàn, hội thậm chí là phòng giám thị, theo ông có nên kéo dài hình thức này?

+ Theo nguyên tắc, phòng tư vấn học đường phải là phòng riêng biệt, kín đáo để dễ dàng trao đổi hay tư vấn vì đối tượng tư vấn không chỉ là HS mà còn có cả giáo viên, phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường do thiếu phòng ốc nên kết hợp như thế sẽ ảnh hưởng đến kết quả tư vấn.

. Đó có phải “bệnh thành tích”, làm cho vừa lòng Sở?

+ Ở một bộ phận nào đó có thể có bệnh thành tích, riêng lĩnh vực tư vấn học đường thì không thể. Anh phải thực tế và xác định được tầm quan trọng, phải để HS, phụ huynh biết được, tìm đến và tự trang bị một đội ngũ để làm tốt vấn đề này chứ Sở không đặt chỉ tiêu để các trường phải đạt thành tích.

Sắp tới Sở sẽ đưa hoạt động tư vấn học đường ở các trường thành một tiêu chí để xét đánh giá thi đua khen thưởng, tổ chức giao ban, trao đổi, nói chuyện định kỳ theo từng quý. Các trường phải có báo cáo đầy đủ về hoạt động này lên Sở. Chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra hoạt động tư vấn định kỳ, trường nào làm tốt, làm chưa tốt hay làm kiểu đối phó sẽ lòi ra ngay.

Xin cảm ơn ông.

Một số giải pháp đã được Sở GD&ĐT TP đưa ra và thực hiện

- Xem cán bộ tư vấn tâm lý là giáo viên để có cơ chế chính sách nhằm thu hút lực lượng này tham gia.

- Thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề tâm lý để các cán bộ trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, cũng như các chuyên gia tư vấn tâm lý giỏi truyền đạt kinh nghiệm của mình.

- Mời các chuyên gia tư vấn tâm lý giỏi của TP tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng tư vấn cho các cán bộ tâm lý.

- Xây dựng môi trường tư vấn tâm lý thân thiện, yêu cầu các tư vấn viên phải nỗ lực hơn nữa trong hoạt động tư vấn tâm lý, gần gũi hơn với HS để nắm bắt diễn biến tâm lý ở các em. Đồng thời, tuyên truyền cho HS, phụ huynh thấy được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động này và khích lệ các em tham gia, giải quyết các rắc rối của bản thân.

Hình thức tư vấn: Tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn, qua số điện thoại, email của cán bộ tư vấn hoặc giải đáp thông qua hộp thư học đường đối với từng trường hợp cụ thể; tổ chức các buổi sinh hoạt toàn trường theo từng chủ đề hoặc các buổi nói chuyện chuyên đề về từng nội dung cụ thể.

Mô hình tư vấn tại các trường

Giáo viên bộ môn đồng thời là tư vấn viên

Việc tư vấn cho HS chủ yếu là làm ngoài giờ, còn những giờ HS lên lớp thì không thể tiếp HS được, do đó không nên đòi hỏi cán bộ tư vấn phải túc trực tại phòng tư vấn. Chưa kể nếu chỉ làm công tác tư vấn thì đồng lương dành cho họ rất khó để đảm bảo cuộc sống. Vì vậy, cán bộ tư vấn của trường là giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý, với chín năm dạy môn GDCD.

ThầyLÊ MINH ĐỨC, Hiệu trưởng Trường THPT Hàn Thuyên

Giáo viên chủ nhiệm như một chuyên gia tâm lý

Ở trường tôi, công tác tư vấn, giải đáp khúc mắc của HS chủ yếu dựa vào đội ngũ giáo viên chủ nhiệm vì đây là người gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với các em nhất. Dựa trên kinh nghiệm sống của bản thân, giáo viên chủ nhiệm khi tham gia nhiều hoạt động học tập, vui chơi, ngoại khóa cũng có thể phần nào nắm bắt được nhu cầu của các em.

ThầyTRẦN DIỆU TÔN, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ

HÀN GIANG - KHẮC HUYthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm