Liệu ngành giáo dục TP.HCM sẽ quản lý tốt?

Lần này quy định nêu rõ: “Các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN không tổ chức dạy thêm theo chương trình giáo dục phổ thông cho người không phải là sinh viên, học viên của cơ sở đó”.

Sở cầm trịch

Với câu chữ như vậy có thể hiểu từ nay các trường ĐH, CĐ, TCCN không được tự mở trung tâm luyện thi ĐH ngay tại trường, cũng như cấp phép mở nhiều nơi ngoài nhà trường như trước đây vẫn làm. Việc cấp phép mở trung tâm luyện thi từ nay do Sở GD&ĐT TP.HCM quản lý.

Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH, CĐ hiện nay vẫn tổ chức dạy luyện thi ngay trong khuôn viên trường mình và hoạt động khá nhộn nhịp. Ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: “Theo quy định, các trường ĐH, CĐ muốn mở lớp dạy luyện thi thì phải xin phép Sở GD&ĐT, không xin là vi phạm. Quy định này là do Bộ GD&ĐT đưa ra chứ không phải ngành giáo dục TP tự chế ra”. Theo đó, những trung tâm luyện thi nào hoạt động không phép thì sẽ bị xử lý và buộc đóng cửa.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, người trực tiếp phụ trách lĩnh vực này, việc giao về một đầu mối quản lý là Sở GD&ĐT nhằm chấn chỉnh tình trạng luyện thi ĐH bát nháo, lừa người học mà các phương tiện truyền thông đã phản ánh rất nhiều trong thời gian qua. Ông Chương hy vọng rằng các cơ sở giáo dục sẽ chấp hành tốt quy định của TP.

Các trường ĐH... chuyển hướng

Phía các trường ĐH đã có phản ứng khác nhau trước quyết định này của TP.HCM. Tiến sĩ Ngọc Thạch - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết trường đang trao đổi lại với Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT TP.HCM để có sự đồng thuận về vấn đề dạy thêm, học thêm. Còn trước mắt nhà trường vẫn nghiêm túc thực hiện chủ trương của Bộ và TP. “Trong khi chưa thật sự rõ ràng, chúng tôi xác định hướng đi mới là hình thành một “trung tâm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực” nhằm đáp ứng nhu cầu cho người học. Chúng tôi làm vậy không có gì là sai luật cả!” - ông Thạch nói. Theo ông Thạch, trung tâm luyện thi của trường ĐH thực chất là... trung tâm đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, trong đó có chức năng bồi dưỡng kiến thức sau phổ thông cho người học tiếp cận vào ĐH.

Thạc sĩ Ngô Thiện - Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức Trường ĐH Nông lâm TP.HCM thì cho rằng việc dạy luyện thi tại một trường ĐH có uy tín hơn là một cơ sở bên ngoài. Vì vậy trường ĐH mở lớp luyện thi thì vẫn tốt, học sinh vẫn có nhu cầu. Chỉ có điều còn hạn chế, theo ông Thiện là việc có những trung tâm lợi dụng danh nghĩa trường ĐH để lừa người học.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc - ĐH Quốc gia TP.HCM phản ứng khá gay gắt: “Chúng tôi chưa thấy có quy định nào kỳ lạ như vậy!”. Theo ông Phúc, việc luyện thi của các trường ĐH không có gì hại cả thì tại sao lại có quy định theo kiểu “ngăn sông cấm chợ” như vậy?

Khó!

Quy định dạy thêm, học thêm của TP đã ban hành hai tuần nay nhưng hầu hết các phòng giáo dục quận, huyện đều chưa nhận được. Bởi vậy, các phòng đều chưa có kế hoạch cụ thể trong quản lý, cấp phép dạy thêm trên địa bàn. Đối tượng nào được dạy thêm, thủ tục cấp phép như thế nào..., tất cả còn chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT.

Theo ông Trần Hữu Vĩnh - Trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Tân, đối tượng được cấp phép không nên tràn lan mà chỉ cho phép nếu là giáo viên dạy giỏi. “Làm vậy giáo viên mới phấn đấu dạy tốt, tránh kiểu thầy nào cũng được cấp phép dạy thêm rồi ép học sinh học thêm” - ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, quy định không được tổ chức dạy thêm quá ba tiết/buổi học và không quá ba buổi/tuần là chưa rõ ràng. Ba tiết/buổi học là một môn hay nhiều môn? Ngoài ra, buộc các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường áp dụng quy định này là không khả thi.

Ở bậc tiểu học, quy định không dạy thêm nhưng lại có cụm từ “trừ các trường hợp nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, phụ đạo những học sinh học lực yếu, luyện tập kỹ năng đọc, viết cho học sinh...”. Quy định như thế thì chẳng khác nào tạo kẽ hở để người ta “lách” luật. Quy định vậy sẽ gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Q.VIỆT

TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm