Lịch sử phải là môn học độc lập và bắt buộc

“Phải trả lại vị thế môn lịch sử trong giáo dục phổ thông”. Đó là ý kiến của đa số các nhà khoa học, giảng viên môn lịch sử tại hội thảo Môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11 tại Hà Nội.

Chưa khi nào có một cuộc hội thảo về giáo dục lại nóng và tranh luận căng thẳng như vậy. Các ý kiến đều tỏ ra bức xúc và lo lắng trước nguy cơ môn lịch sử sẽ bị xóa bỏ. Tuy hội thảo bắt đầu từ lúc 8 giờ và kết Ưthúc muộn hơn một tiếng so với dự kiến (12 giờ 30) nhưng vẫn còn khoảng 30 ý kiến muốn được phát biểu. Ban tổ chức đã đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản trực tiếp đến Bộ GD&ĐT hoặc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

Nhiều giáo viên phản đối tích hợp

Trong gần 20 bài tham luận và hơn 10 ý kiến trực tiếp tại hội trường đều lên tiếng mạnh mẽ cần phải trả lại vị thế xứng đáng cho môn lịch sử trước nguy cơ bị xóa bỏ. Mỗi ý kiến đều nhận được ý kiến tán dương bằng những tràng pháo tay giòn giã của hội trường.

Ông Trần Trung Hiếu, giáo viên sử ở Nghệ An, tỏ ra không đồng tình với cách đặt vấn đề cũng như phương án tích hợp của Bộ GD&ĐT bởi vấn đề tích hợp môn sử và đổi mới phương pháp dạy-học là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Ông Hiếu cho rằng suốt ba tháng sau khi công bố dự thảo, các giáo viên dạy sử rất trăn trở, bức xúc, cũng như rất thất vọng về cách làm này. “Người có trách nhiệm nghĩ gì khi dự thảo vấp phải phản ứng của nhiều người, trong đó có giáo viên phổ thông” - ông Hiếu đề cập.

Một học sinh đang xem tư liệu trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh tại TP.HCM. Ảnh N.THUẦN

Ông Hiếu cũng nghi ngờ kết quả khảo sát của Bộ GD&ĐT về việc đa số giáo viên đều đồng tình với chương trình phổ thông, trong khi ông và nhiều giáo viên khác không hề được lấy ý kiến. Ông Hiếu cho biết hơn 500 giáo viên dạy sử trong một cuộc khảo sát nhỏ do ông thực hiện có nhờ ông chuyển đến lãnh đạo Bộ lời đề nghị môn sử phải là môn độc lập (không tích hợp) và bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

PGS-TS Vũ Quang Hiển, khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội), lên tiếng mạnh mẽ cho rằng ý tưởng hòa trộn môn lịch sử trong nhiều môn học khác thực chất là coi nhẹ môn học này. Nếu không chỉnh sửa dự thảo sẽ khai tử môn sử. Một chương trình tổng thể đòi hỏi một tư duy tổng thể chứ không phải là tư duy chắp vá, duy ý chí và chủ quan.

Tầm thường hóa môn sử

GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, cho biết chương trình giáo dục của hầu hết các nước trên thế giới đều coi môn lịch sử, nhất là quốc sử là một trong ba môn học cơ bản và bắt buộc như môn quốc ngữ, quốc văn và toán học. “Dù Bộ GD&ĐT giải thích như thế nào thì với dự thảo chương trình đã công bố, môn lịch sử  xem như bị khai tử. Môn sử đã bị cắt nhỏ rồi tích hợp tùy tiện vào một số môn khác là thiếu cơ sở khoa học” - GS Lê băn khoăn.

PGS-TS Kiều Thế Hưng, khoa Lịch sử Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhận xét về cơ bản chương trình phổ thông đã hạ thấp môn sử rất nhiều. “Nếu tích hợp kiến thức lịch sử vào một môn bắt buộc nào đó để coi lịch sử cũng là môn bắt buộc thì thật là phi lý và phản khoa học. Đó là tầm thường hóa bộ môn lịch sử, là đánh tráo khái niệm nguy hiểm, dễ dẫn tới những hiểu lầm tai hại cho xã hội” - ông Hưng cho biết.

GS-TS Trần Thị Vinh, khoa Sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng ghép môn lịch sử như một phân môn trong môn công dân với Tổ quốc là việc chưa từng có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. “Trong hệ thống giáo dục toàn cầu, không thể tìm thấy được một nền giáo dục nào tích hợp môn lịch sử với giáo dục quốc phòng-an ninh, giáo dục đạo đức công dân thành một môn học. Đây là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, tôi e rằng không khả thi và chưa có tiền lệ” - GS Vinh lo lắng.

GS Vinh cũng lo lắng nếu tích hợp thì ai sẽ là người dạy môn công dân với Tổ quốc trong khi các trường sư phạm không đào tạo giáo viên lắp ghép tổ hợp như thế. Ngoài ra việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho môn tổng hợp không dễ để thực hiện. Bởi lẽ rất khó có thể tổng hợp ba môn có mục tiêu, định hướng khoa học, nội dung khác nhau để xây dựng một môn học mới.

Hậu quả khôn lường

GS Phan Huy Lê cho rằng xóa bỏ môn lịch sử là tạo nên những lỗ hổng, những khoảng trống rất nguy hiểm trong nền giáo dục phổ thông, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thượng tướng PGS-TS Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nhìn nhận dạy lịch sử chính là dạy cho thế hệ trẻ Việt Nam biết làm người, giáo dục cho họ hiểu biết những phẩm giá, nhân cách con người Việt, góp phần nâng cao trần văn hóa cho học sinh. Theo ông Trung, nếu dạy cho thế hệ trẻ lịch sử hời hợt thì chẳng khác nào làm cho cuộc sống của họ như “cây không có gốc, suối không có nguồn”, khó có thể phát triển toàn diện, bền vững.

Ông Trung đề nghị Bộ GD&ĐT cần chỉnh sửa lại dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, đưa môn lịch sử về đúng vị trí, vai trò, xác định lịch sử là môn học chính khóa, bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, không coi đó là môn học tự chọn.

Kiến nghị đưa chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK

GS Phan Huy Lê cho biết Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và nhiều giáo viên đã từng kiến nghị cần sớm đưa nội dung về biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình giáo dục phổ thông. Bởi trong SGK lịch sử, địa lý đang lưu hành hoàn toàn chưa đề cập đến lịch sử xác lập, thực thi và đấu tranh bảo vệ chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

“Hội nghị nhất trí khẩn thiết kiến nghị Bộ GD&ĐT không thể chậm trễ hơn được nữa, bổ sung ngay nội dung về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, không thể chờ đợi đến khi biên soạn lại SGK phải vài ba năm sau mới hoàn thành” - GS Lê nói.

Ai là người chịu trách nhiệm cả tiền nhân và hậu thế, nếu một lúc nào đó chính thế hệ được giáo dục bằng dự thảo chương trình này sẽ quay lưng lại với tổ tiên và ông cha ta, sẽ quay lưng lại với quốc gia dân tộc. Đó là hậu quả khôn lường!

Thượng tướng PGS-TS Võ Tiến Trung,
Giám đốc Học viện Quốc phòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm