Lí do Trường ĐH Nông lâm TP.HCM mở ngành Giáo dục mầm non?

Theo công bố mới đây của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM về phương án tuyển sinh đại học năm 2022, trường sẽ mở hai ngành học mới là Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp và Giáo dục mầm non bậc đại học và cao đẳng.

Thông tin này đã khiến nhiều phụ huynh, thí sinh băn khoăn, bởi một trường đào tạo thế mạnh về các ngành nông, lâm nghiệp lại mở ngành mới về đào tạo giáo viên.

Theo đại diện lãnh đạo trường, ngành Giáo dục mầm non chỉ mở tại Phân hiệu của trường ở tỉnh Ninh Thuận dựa trên kết quả khảo sát nhu cầu nhân lực của tỉnh Ninh Thuận nói riêng và vùng kinh tế Đông Nam Bộ nói chung. Đặc biệt, trên cơ sở sáp nhập từ trường cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận có bề dày hơn 40 năm hình thành và phát triển chuyên về đào tạo giáo viên phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực về đội ngũ nhà giáo các cấp học từ mầm non đến THCS cho hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận trước đây.

Được biết, hiện Phân hiệu Ninh Thuận có quy mô gần 1.400 sinh viên, học viên các hệ đào tạo, tập trung các ngành trình độ đại học. Trong đó, đang đào tạo giáo viên mầm non trình độ cao đẳng với gần 250 sinh viên và thực hiện lộ trình để năm 2022 tiến hành đào tạo ngành Giáo dục mầm non trình độ ĐH.

Sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tại một ngày hội việc làm thường niên của trường. Ảnh: PHẠM ANH

Chưa kể, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kết thúc năm học 2019-2020, toàn quốc có 364.776 giáo viên mầm non, số giáo viên còn thiếu ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập là 45.242 giáo viên. Riêng tỉnh Ninh Thuận có 90 trường mầm non với hơn 1.000 nhóm lớp và gần 1.600 giáo viên. Năm học 2021-2022 nhu cầu tuyển dụng cán bộ quản lý và giáo viên mầm non cho cấp học này là gần 350 người.

Do đó, trường quyết định mở ngành đào tạo Giáo dục mầm non trình độ đại học ở phân hiệu tại tỉnh Ninh Thuận nhằm phục vụ nhu cầu đội ngũ giáo viên cho bậc học này tại tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh lân cận.

Để đào tạo ngành này, Phân hiệu trường có 30 giảng viên, trong đó có ba tiến sĩ, 15 thạc sĩ, hai nghiên cứu sinh có khả năng đảm bảo phụ trách toàn bộ chương trình đào tạo.

Theo đề án mở ngành của trường, năm 2022, trường dự kiến sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên với 60 chỉ tiêu đại học chính quy và 200 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm cho ngành giáo dục mầm non.

Mỗi năm sau đó, phân hiệu sẽ tăng quy mô đào tạo thêm 30-80 chỉ tiêu ở hệ ĐH chính quy. Thời gian đào tạo ngành này sẽ trong tám học kỳ với 130 tín chỉ.

Trường dự kiến tuyển sinh theo bốn phương thức. Gồm: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT; dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức; xét tuyển thẳng học sinh giỏi năm lớp 12 của các trường THPT trong cả nước và tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của bộ GD&ĐT; xét học bạ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm