Làm phụ huynh thời nay khó lắm!

Trả lời điện thoại hotline, bắt máy lên hầu hết nghe: “Alô, tôi là phụ huynh có con (hoặc) cháu năm nay thi…”. Đến tư vấn ở trường cũng thấy phụ huynh thỏ thẻ: “Cô ơi, tôi muốn được tư vấn cho con tôi...”.

Thấy các TS ngày càng được gia đình quan tâm tận tình tôi cũng mừng. Nhưng mừng thì một mà lo thì mười nên cười không nổi. Có lần nghe điện thoại tư vấn, bắt lên nghe giọng già già, nghiêm nghiêm là biết phụ huynh ngay. Nói được vào đến phần trao đổi thì cứ nghe đâu như bên đầu dây có người “nhắc bài”, tôi hỏi ngay: “Bé đang ở cạnh phụ huynh ạ? Cho em được trò chuyện với bé nhé”.

Hay như một trường hợp tư vấn trực tiếp, hai mẹ con bước vào phòng và người mẹ mở đầu câu chuyện, chủ động hỏi han. Nhìn kỹ TS đi cùng thấy dáng vẻ, thần thái không hợp với ngành nên tôi gợi mở cho cô bé thổ lộ nhiều hơn. Cuối cùng người mẹ mới bộc bạch con chị có năng khiếu vẽ, muốn học thiết kế cảnh quan. Nhưng thấy ra trường cơ hội nghề nghiệp mơ hồ quá, nhà lại không ai có năng khiếu vẽ nên chọn đại một ngành về kinh tế để ra trường có nghề nghiệp rõ ràng. Sau buổi trò chuyện khá dài, người mẹ mới chịu cho con đăng ký học đúng ngành cô bé mơ ước.

Lại có trường hợp ông chú quan tâm đến chuyện thi đại học của cháu nên mới hỏi tại sao cháu không đi thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Nghe cháu nói không biết thông tin, không nghe trường phổ biến, không nghe bạn bè nói gì…, ông tức tốc chạy lên Trường ĐH Quốc gia hỏi chuyện như chất vấn. Rồi ông nói sẽ liên hệ lãnh đạo bên trường phổ thông làm cho ra ngô ra khoai.

Hoặc có phụ huynh tất tả ngược xuôi làm giấy tờ cho con gái nộp ưu tiên xét tuyển. Điều đáng nói là nếu mẹ chỉ đi nộp hồ sơ giùm thôi cũng còn châm chước, đằng này các bước như đăng ký online, xin xác nhận của nhà trường, đi công chứng hồ sơ cũng là mẹ làm nốt. Và đây là vô vàn lý do tôi được nghe từ phụ huynh: “Bé nó học suốt sáng chiều, không có thời gian làm hồ sơ đâu”; “Nó khờ lắm, không biết gì đâu”; “Hỏi gì cũng nói không biết”; “Nó thờ ơ lắm nên tui làm giùm”; “Để tui tìm hiểu rồi tui về tui nói nó nhanh hơn”…

Mà cũng đúng thật, nhiều cặp cha (mẹ) - con đến trường tư vấn thì phụ huynh ngồi hỏi, con ngồi bấm điện thoại hoặc im re, khi nghe hỏi còn thắc mắc gì không thì lắc đầu rồi đứng dậy đi về. Phụ huynh cần kết hợp với nhà trường, đặc biệt là với tư vấn viên và cung cấp cho họ những thông tin cần thiết về con mình. Nhưng đồng thời cũng phải để con chủ động tìm đến những ngành nghề và ngôi trường yêu thích. Nhiều phụ huynh hiểu sai, cách làm chưa phù hợp trong việc chia sẻ nghề nghiệp, tương lai của con dẫn đến khi được hỏi, các cô (cậu) bé đều thể hiện sự thiếu chủ động. Thế là giữa bốn bề thông tin nghề nghiệp, TS bị đuối sức và chỉ còn biết dựa vào sự lựa chọn của cha mẹ.

Vai trò của phụ huynh trong hướng nghiệp cực kỳ quan trọng, phụ huynh chính là hậu phương vững chãi tạo dựng được niềm tin cho TS tiếp tục tìm hiểu về ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực học và tố chất của bản thân. Phụ huynh chính là chỗ dựa tinh thần, thể hiện sự quan tâm đến sở thích và ước mơ của TS ngay từ khi TS còn bé, là những người dõi theo sự phát triển và đổi thay trong suy nghĩ, tính cách và hành động, từ đó động viên, cổ vũ cho TS theo đuổi đam mê. Họ cũng chính là nơi “double-check” lại những quyết định, giúp TS hình dung ra được khó khăn hay mặt trái của nghề mình chọn.

Thế nhưng phụ huynh chỉ nên đóng vai trò gợi mở để TS thể hiện tiếng nói của chính mình. Làm phụ huynh trong thời đại này khó lắm, không dễ đâu... Vừa thương vừa tội nhưng nhiều lúc phải thẳng thắn để phụ huynh có thể nhận ra “con đã lớn khôn”.

ThS NGUYỄN HẢI TRƯỜNG AN, Giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh,
ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm