Kỳ vọng đổi mới từ lễ khai giảng

Nhân dịp khai giảng năm học 2016-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thư chúc mừng tới các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên trong cả nước.

Đây là năm thứ hai ngành giáo dục thực hiện lễ khai giảng thống nhất trong sáng 5-9, ngắn gọn và thực sự vì học trò.

Quyền tiếp cận giáo dục là bình đẳng

Phát biểu tại lễ khai giảng của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Chủ tịch nước nhắn nhủ tới toàn thể thầy cô giáo và học sinh cả nước: “Mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhà trường cần nhận thức rõ trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang của mình đối với việc dạy chữ, dạy người; tâm huyết, say mê với nghề nghiệp, thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ vững chữ đạo, dồi dào chữ tâm...”. Chủ tịch nước yêu cầu các nhà trường mở rộng các hoạt động giao lưu, hợp tác với các trường tiên tiến trên thế giới để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm dạy và học, phát triển năng lực học tập của học sinh, năng lực chuyên môn của giáo viên...

Cũng trong sáng 5-9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tới dự lễ và đánh trống khai giảng tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Vũng Tàu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã dự lễ khai giảng tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. Phát biểu tại ngôi trường có 200/1.700 học sinh khiếm thị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngôi trường 34 tuổi này là minh chứng cho sự thành công của quan điểm “tất cả người dân, bình thường hay khiếm thị, nói rộng hơn là người khuyết tật đều được quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng”. Ông bày tỏ xúc động trước những thầy cô giáo tuy khiếm thị vẫn tận tình chăm sóc học sinh và cho rằng làm giáo viên đã khó, làm thầy cô của học trò khiếm thị càng khó hơn, đòi hỏi sự hy sinh, tình yêu thương rất lớn. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tặng quà cho học sinh Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu và trồng cây tại trường.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng nhà giáo là nhân tố chấn hưng giáo dục Việt Nam, mong phụ huynh bình tĩnh trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, cùng với ngành thực hiện những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng dự lễ khai giảng và giao lưu với giáo viên, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM). Ảnh: HTD

Năm học có nhiều đột phá của TP.HCM

Có mặt tại Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TP.HCM) lúc 7 giờ 30, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã gióng hồi trống chính thức bước vào năm học mới của TP có gần 1,5 triệu học sinh. Đây là năm học đầu tiên TP đã mạnh dạn đề xuất những giải pháp đột phá, mang tính đặc thù của TP nhằm mang lại hiệu quả tích cực thay đổi diện mạo của ngành giáo dục TP.HCM.

Theo chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, năm học này ngành giáo dục TP phải giảm tải nhanh giáo dục phổ thông. Tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập, phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh; huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới trường lớp. Đồng thời, tiếp tục phối hợp và phát huy sức mạnh tổng hòa của việc gắn kết gia đình - nhà trường - xã hội...

Trường Tiểu học An Hội (Gò Vấp, TP.HCM) - ngôi trường đông học sinh nhất TP.HCM, thầy trò cũng hân hoan tổ chức lễ khai giảng chào mừng năm học mới. Chỉ về phía lẵng hoa và những bông hoa được đặt cẩn thận trong văn phòng, cô Phan Thúy Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hội, không giấu được niềm tự hào: “Đó là tấm lòng của phụ huynh góp sức cùng nhà trường. Lẵng hoa là để học sinh lớp 5 tặng cho học sinh lớp 1 và học sinh mới chuyển vào trường. Khi phụ huynh biết chuyện, bảo mua lẵng hoa bên ngoài xấu lắm mà còn đắt, nhà phụ huynh làm được nên mang lên cho”.

Cô Thúy Trang cho biết năm nay toàn Trường Tiểu học An Hội có gần 4.000 em học sinh. Trong đó có 595 em bước vào lớp 1, chia làm 13 lớp. So với những năm trước, số lượng học sinh của trường đã giảm đi nhiều vì quận xây dựng thêm trường mới, số học sinh được san đều. “Hiện tại chúng tôi cũng đang cố gắng làm sao trong thời gian tới, sĩ số mỗi lớp còn tầm 46 em nhằm giúp thầy cô đỡ vất vả hơn và quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng giáo dục theo phương pháp mới”.

Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) - ngôi trường được mệnh danh là một trong những trường học lâu đời và đẹp nhất TP.HCM, sáng 5-9 cũng bước vào năm học 2016-2017 trong không khí đánh dấu bước ngoặt hướng đến kỷ niệm 100 năm truyền thống của nhà trường.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học mới 2016-2017, toàn TP có trên 1,5 triệu học sinh từ mầm non đến THPT, tăng hơn 59.000 học sinh so với năm học 2015-2016. Trong đó khối công lập tăng 46.000 em, còn lại là khối ngoài công lập. Để chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017, TP.HCM chi 82 tỉ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ học tập và công tác giảng dạy, đồng thời tập trung thực hiện các biện pháp duy trì bình ổn giá các loại sách vở, bút tập... Trước đó, TP cũng đưa vào sử dụng hơn 2.000 phòng học với ngân sách đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng.

________________________________

Việc kết hợp giữa nhà trường và gia đình tạo nên sự thành công của giáo dục. Chúng ta tạo mọi điều kiện cho các em trưởng thành, làm người có ích, lòng yêu thương, sự chia sẻ làm nên nhân cách, phẩm giá của con người.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai giảng của Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm