Học và lập nghiệp trên đất Mỹ (*)

Kỳ 2: Đất lành cho người khởi nghiệp

“Đừng sợ thất bại khi bạn chỉ có hai bàn tay trắng nếu bạn kiên trì, cộng thêm cái đầu sáng suốt biết nắm bắt cơ hội”, đó là lời khuyên chung của ba thanh niên ngoại quốc đã lập nghiệp thành công trên đất Mỹ.

Họ làm chủ một trang mạng xã hội phục vụ người đồng hương, trang web các trò chơi và tiệm bánh mì Pháp. Tất cả đều có thu nhập tốt và đang đưa doanh nghiệp của mình ăn nên làm ra.

Cơ hội đến từ sáng kiến

Ngay khi còn học trung học ở Mỹ, Jessica Schinazi đã thiết kế trang mạng xã hội “Un Petit Monde” (Một Thế Giới Nhỏ) dành cho cộng đồng nói tiếng Pháp để cung cấp các dịch vụ gia đình tại New York. Trang mạng của cô chủ 23 tuổi này hiện nay đã có hơn 1.000 thành viên trong cộng đồng dân cư nói tiếng Pháp tại New York và đã trải trộng đến Washington và San Francisco. Jessica kể về ý tưởng khởi nghiệp: “Khi tôi mới đến Mỹ, tôi không quen ai cả nên tôi đã quyết định tự mình phải sáng tạo ra một cái gì đó”. Nguyên tắc của “Un Petit Monde” rất đơn giản và dựa vào lòng tin lẫn nhau là chính. Ngay từ đầu, danh sách đăng ký rất nhiều và Jessica đã phải gọi thêm nhiều bạn bè giúp đỡ. Con số đăng ký từ 15 mỗi tuần vọt lên 15 mỗi ngày bởi tin truyền miệng đi rất nhanh. Việc có được một người trông trẻ hay một thầy giáo dạy kèm là người Pháp bản xứ thật sự làm họ rất thích thú.

Geoffroy, chàng trai Pháp 22 tuổi, làm việc sáu tháng nay cho trang web Foursquare. Geoffroy đã tốt nghiệp ĐH Pennsylvania (Philadelphia) vào tháng 5-2012 và đến tháng 11 cùng năm đó anh được tuyển dụng vào Foursquare. Đây là một công cụ tìm kiếm miễn phí nhằm thông tin đến người sử dụng về những gì đang diễn ra trong khu vực môi trường chung quanh họ nhờ vào hệ thống định vị địa lý của các smartphone. Hiện nay Geoffroy đang làm việc tại New York, nơi đặt trụ sở của công ty. Công việc của anh là nghiên cứu phát triển các ứng dụng mới cho Foursquare. Công việc này đem lại cho anh thu nhập khoảng 80.000-100.000 USD/năm.


Sau năm năm khởi nghiệp, hiện nay tiệm bánh mì Pháp “Choc O Pain” của Clémence là điểm hẹn ẩm thực uy tín tại New Jersey, Mỹ. 

Khi chồng Clémence chuyển công tác sang Mỹ vào năm 2009, Clémence theo chồng để thực hiện giấc mơ của mình là thành lập doanh nghiệp riêng. Hiện nay cô đang điều hành hai tiệm bánh mì Pháp tại bang New Jersey với thương hiệu “Choc O Pain”. Hai tiệm bánh mì ra đời từ ý tưởng: Thị trường bánh mì truyền thống không phát triển lắm tại Mỹ. “Tôi tự nhủ rằng đây chính là dịp để tôi kết nối niềm đam mê của tôi vào thế giới kinh doanh” - Clémence nói. Trong cửa hàng của mình, Clémence sử dụng phương pháp lên men chậm nên bánh mì có màu sắc đẹp hơn và hương vị ngon hơn. Sau khi đến New York vào tháng 1-2009, Clémence đã cắp sách đi học trở lại. Từ tháng 4 đến tháng 10, cô đã học tại Institute of Culinary Education về cách xây dựng một kế hoạch kinh doanh, bởi đó là giai đoạn quan trọng cho khâu chuẩn bị lập doanh nghiệp. Cô cũng đã đăng ký một khóa học khác tại “Le Pain Quotidien” - đó là thương hiệu của chuỗi cửa hàng bánh mì và nhà hàng có tiếng để làm quen với các sản phẩm bánh mì khác nhau lẫn cung cách phục vụ khách hàng. Sau đó cô ghi danh vào International Culinary Center, vẫn tại New York. Trong vòng hai tháng Clémence đã theo khóa học ngắn hạn về nghề làm bánh mì. Cô đã học cách làm tất cả các loại bánh mì bởi International Culinary Center là một cơ sở đào tạo rất bài bản.

Cần giỏi tiếng Anh và kiên trì

Để thành công, Geoffroy có lời khuyên cho những ai muốn thử vận may: “Dứt khoát bạn phải nói được tiếng Anh lưu loát. Điều này là tối cần thiết khi bạn làm việc cho một tổ chức nào đó chuyên theo dõi các dự án và có hoạt động kinh doanh tại nước ngoài. Quan trọng nhất là bạn phải giỏi thực hành hơn là chỉ biết lý thuyết. Điều cốt lõi không phải là bạn có thể đọc hiểu tốt được ngôn ngữ của Shakespeare mà là bạn phải biết tự xoay xở thật tốt ở nơi bạn đặt chân đến. Một dự định cá nhân nào đó, cho dù là điên rồ nhất và thậm chí không thành công thì cũng sẽ luôn luôn có một giá trị nào đó xứng đáng dưới con mắt của nhà tuyển dụng trong tương lai. Các đợt thực tập và đi thực tế tại các doanh nghiệp luôn có tầm quan trọng hàng đầu tại Mỹ, bất kể bạn đang ở độ tuổi nào.

“Đừng dừng bước khi gặp trở ngại hoặc thất bại đầu tiên. Hãy nói rõ cho mọi người biết về kế hoạch và dự định của bạn. Hãy lắng nghe lời khuyên từ mọi người chung quanh, càng nhiều càng tốt, trước khi bạn “bung” ra thực hiện dự định của mình” - Jessica Schinazi chia sẻ.

Còn Clémence thì cho rằng cần bền bỉ và cũng phải biết mình muốn gì. Phải biết chịu mất mát và biết dừng đúng lúc. Hãy tự chuẩn bị tốt và thu thập thông tin nhiều nhất có thể trước khi bạn dấn thân vào một chuyến phiêu lưu mà bạn mơ ước.

 

Kinh doanh ẩm thực theo kiểu khách “không chờ đợi”

Về kinh doanh ẩm thực-nhà hàng, Clémence nói: “Tại Mỹ, tất cả đều phải nhanh, kể cả trong chuyện ăn uống. Khách hàng Mỹ có thói quen là không chờ đợi nhưng tôi không muốn tiệm bánh mì của tôi lại trở thành một cửa hiệu bán thức ăn nhanh. Tôi đã phải tập cách vừa làm sao vẫn giữ được hương vị đặc trưng của bánh mì truyền thống Pháp, vừa phải biết cách lắng nghe những nhận xét, thậm chí chỉ trích của khách hàng Mỹ”. Clémence còn đặc biệt quan tâm đến việc tái tạo không gian Pháp trên đất Mỹ qua cách bài trí cửa hiệu, qua âm nhạc và qua các sản phẩm được trưng bày...

TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Express)

(*) Tiếp theo số báo Chủ nhật 16-3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm