Kiến nghị viết lại sách đạo đức: Cần nội dung gì?

Vấn đề đặt ra là: Viết lại sách giáo khoa môn Đạo đức cần chú trọng vào những nội dung gì? Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với các chuyên gia giáo dục.

GS-TS Dương Thiệu Tống:

Tính trung thực và lòng can đảm

Khuyến khích học sinh nói lên những suy nghĩ thật sự của mình.

Kiến nghị viết lại sách đạo đức: Cần nội dung gì? ảnh 1Trong giáo dục đạo đức, thái độ quan trọng nhất cần phải gầy dựng ở người học là lòng tin tưởng và sự thông cảm. Đứa trẻ đến trường học là có sẵn niềm tin nhưng về sau những kinh nghiệm của chúng ở trường học, ở lớp học nhiều khi làm chúng mất đi dần dần sự tin tưởng ấy.

Thiếu sự tin tưởng ở người thầy, người học sẽ cảm thấy những điều giảng dạy xa lạ, siêu thực tế. Như vậy chỉ có sự trung thực của người thầy trong lời nói và việc làm mới tạo được lòng tin tưởng và thông cảm. Nếu không, giáo dục đạo đức chỉ là sự áp đặt từ bên ngoài lên bản thân đứa trẻ.

Giáo dục đạo đức là giáo dục tính trung thực của người học. Có một số đức tính làm căn bản cho mọi đức tính khác mà ta có thể đào luyện ở con người từ tuổi ấu thơ cho đến tuổi trưởng thành. Các nhà giáo dục gọi là những “đức tính công cụ”, bởi vì mọi thứ đạo đức khác đều phụ thuộc vào chúng.

Tôi muốn đề cập đến hai đức tính căn bản: tính trung thực và lòng can đảm. Tính trung thực là đức tính lớn nhất của tri thức, còn tính can đảm là đức tính lớn nhất của ý chí. Tính trung thực là đức tính cần thiết nhất ở con người, vì nếu con người không trung thực với chính mình thì không thể nào trung thực được với xã hội.

Tính trung thực vốn có sẵn ở mọi đứa trẻ (đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ). Khi đứa trẻ rời nhà để đến trường, nếu nhà trường làm chúng mất đi cái tính căn bản ấy thì lúc bấy giờ bắt đầu nảy sinh những thói xấu làm ngăn chặn sự phát triển bình thường của chúng, đó là sự dối trá và tính hèn nhát.

Sự dối trá là hành động đánh lừa kẻ khác bằng cách che giấu cái mà mình có thật và thay thế nó bằng cái mà người khác muốn để tránh cho mình sự trừng phạt hay được sự khen thưởng.

Tính hèn nhát là thái độ thiếu tự tin, là sự bất lực, không dám tự khẳng định mình. Cũng giống như sự dối trá, nó ngăn chặn sự phát triển nhân cách đang bắt đầu nảy nở ở đứa trẻ, nó bộc lộ sự yếu đuối của tâm hồn và thể xác, khiến cho con người không đủ can đảm để chống lại áp lực của những ảnh hưởng xấu. Cho nên người ta nói rằng tính dối trá và sự hèn nhát là bước đầu dẫn đến sa đọa, sự trụy lạc và tính độc ác.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng biện pháp có tính cách “chiến lược” để ngăn chặn tội ác ở đứa trẻ là nhà trường cần phải đào luyện tính trung thực và lòng can đảm bằng cách khuyến khích chúng nói lên những suy nghĩ thật sự của mình, thay vì nói như vẹt những gì người khác thích nghe. Tất nhiên, những sai lầm của chúng phải được sửa chữa.

Tóm lại, giáo dục đạo đức không chỉ qua môn học mà giáo dục bằng những việc làm, bằng hành động, bằng ngay bản thân của thầy chứ không phải chỉ sửa đổi chương trình.

GS-TS KH Lê Ngọc Trà:

Gắn liền với khuôn thước gia đình

Kiến nghị viết lại sách đạo đức: Cần nội dung gì? ảnh 2Giáo dục thành một thành viên tốt trong gia đình trước, sau là người học trò tốt, người công dân gương mẫu...

Đặt vấn đề xây dựng nội dung môn đạo đức, tôi có mấy nguyên tắc đề xuất như sau: Hồi xưa, môn học này gọi là luân lý học.

Giáo dục làm người có nhiều hình thức như giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, giáo dục về những nguyên tắc ứng xử cộng đồng. Tôi nghĩ đạo đức phải bắt đầu từ giáo dục một thành viên tốt trong gia đình trước đã, sau đó mới nói đến là người học trò tốt, người công dân gương mẫu...

Đạo đức phải gắn liền với giáo dục những khuôn thước trong gia đình, nhất là lứa tuổi học trò. Đó là giáo dục sơ đẳng về làm người, trước hết là phải kính cha, kính mẹ, tôn trọng mọi người. Đặc biệt ở những lớp dưới, giáo dục đạo đức từ gia đình rất quan trọng và có ý nghĩa quyết định giáo dục ở lớp cao hơn.

Nội dung kế tiếp của đạo đức là giáo dục pháp luật dành cho học sinh ở lớp cao hơn ý thức thượng tôn pháp luật. Ý thức thượng tôn pháp luật phải được giáo dục ngay từ nhà trường phổ thông.

Nhìn vào thực tế, hệ thống pháp luật của ta rất kém, ý thức công dân về pháp luật chưa được giáo dục từ bé một cách căn cơ. Giáo dục pháp luật cụ thể là gì thì người soạn chương trình sách giáo khoa phải đặt ra những nguyên tắc chung, từ dễ đến khó.

Nội dung thứ ba của môn học đạo đức là giáo dục ý thức dân chủ, làm sao cho học sinh nhận thấy được mình là một cá nhân được quyền tự do suy nghĩ trong quá trình học tập, cho học sinh thấy được mình được tôn trọng chứ không phải là người chỉ biết phục tùng, khép nép... Đứa trẻ có tự do mới sáng tạo được.

Xây dựng ý thức độc lập cho trẻ ngay từ nhỏ, tôn trọng tự do của mình và của người khác. Trong xã hội có tự do, dân chủ mới phát huy được sức mạnh cộng đồng... Đứa trẻ bị mất ý thức dân chủ sau này cũng sẽ trở thành con người chỉ biết tuân theo quy tắc, mệnh lệnh, kìm hãm sự sáng tạo.

Cái quan trọng cuối cùng là phải giáo dục học sinh biết sống trong cộng đồng, vì cộng đồng chứ không thể hô hào chung chung “tinh thần tập thể” như lâu nay vẫn làm.

Giữa một tập thể nhiều cá tính khác nhau, thậm chí đối lập nhau nhưng vẫn sống là làm việc với nhau tốt và hiệu quả. Trong thời buổi khuyến khích cá nhân phát triển hiện nay, cá nhân ấy phải hòa nhập được từ gia đình đến xã hội.

QUỐC VIỆT ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm