Kiến nghị thi nhiều lần/năm

+ PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Tôi không cho rằng nhất thiết phải đỗ 80%-90% thì mới có chất lượng mà quan trọng là kỳ thi có đánh giá được năng lực của thí sinh hay không. Về việc có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp hay không, theo tôi đây là kỳ thi quốc gia quan trọng, học sinh đủ điều kiện học xong bậc phổ thông phải được thi để công nhận tốt nghiệp.

Về những thay đổi của kỳ thi này, ở thời điểm trước mắt thì phương án bốn môn thi tốt nghiệp như vậy là tốt. Tuy nhiên, cần khẳng định môn ngoại ngữ là môn rất quan trọng cần phải được coi là môn thi bắt buộc, vì thực tế đất nước đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng thì môn ngoại ngữ càng có vai trò lớn. Quan điểm của tôi là nếu được thì nên bắt buộc ba môn thi tốt nghiệp là toán, văn và ngoại ngữ.

Về việc thi kết hợp xét học bạ lớp 12 theo tỉ lệ 50%-50% là chưa hợp lý. Bộ nên lấy điểm quá trình học tập của học sinh là 30% và điểm thi tốt nghiệp 70%. Nhưng phải lấy điểm trung bình của cả ba năm THPT chứ không chỉ riêng lớp 12 như hiện nay. Điều này sẽ giúp học sinh phải nỗ lực học đều các môn ở cả ba năm học.

. Được biết Hiệp hội cũng đã có đề xuất đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay?

+ Vừa qua, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam đã gửi đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và xin triển khai từ năm 2015. Tại sao lại đưa ra đề xuất này? Vì từ nhiều năm nay, chất lượng giáo dục phổ thông mà đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập mà dư luận đã phản ánh. Do vậy mục đích của đề xuất đổi mới lần này, Hiệp hội mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nâng cao chất lượng đánh giá học sinh, qua đó tạo bước đệm để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo ở bậc học phổ thông.

. Cụ thể đề xuất trên có những đề nghị đổi mới như thế nào?

+ Về hướng đổi mới kỳ thi được Hiệp hội kiến nghị, tốt nhất là nên nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một, gọi là kỳ thi quốc gia chung duy nhất. Kỳ thi chung này nhằm xác nhận trình độ và cấp bằng tốt nghiệp THPT; đồng thời cung cấp kết quả để các trường ĐH, CĐ xét tuyển; đảm bảo nguồn tuyển đa dạng, không phụ thuộc vào khối thi như hiện nay; tạo điều kiện cho các trường tuyển chọn đối tượng đào tạo một cách thuận lợi. Kỳ thi chung quốc gia có thể tổ chức nhiều lần/năm, trước mắt là hai lần/năm. Học sinh có kết quả thấp ở kỳ thi này có thể đăng ký xin thi lại ở kỳ sau. Đây là cách để học sinh tự nâng cao dần năng lực. Đề xuất này cũng nhằm tạo cho học sinh có nhiều cơ hội thi hơn, tránh tình trạng con đường học hành của học sinh được quyết định duy nhất bằng một lần thi.

HUY HÀ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm