Kiến nghị sửa sách giáo khoa về triều Nguyễn

UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX”. Hội thảo đã quy tụ được hơn 90 bài tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu từ Viện Viễn đông bác cổ và các nước Nga, Nhật, Trung Quốc...

Theo giáo sư Phan Huy Lê, nhận xét về chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn theo chiều hướng phê phán, phủ nhận đã lỗi thời. Có những lý do lịch sử nhất định cũng như phương pháp nhận thức, nghiên cứu của giới sử học khiến đánh giá về giai đoạn lịch sử này không toàn diện. Giáo sư Lê cũng khẳng địnhviệc thay đổi nhận thức không có nghĩa là đi từ cực đoan này sang cực đoan khác.

Các bản tham luận có sự thống nhất tương đối cao việc ghi nhận công lao nhà Nguyễn trong công cuộc mở mang xứ Thuận Quảng và xa hơn về phương Nam. Công lao thống nhất đất nước của nhà Nguyễn (trên cơ sở những thành tựu của nhà Tây Sơn) cần được ghi nhận. Bên cạnh đó, phần kết luận hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế trong đối nội, đối ngoại. Các vua triều Nguyễn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử dân tộc khi không đáp ứng được yêu cầu trong canh tân đất nước và đánh mất độc lập, chủ quyền dân tộc.

Tại hội thảo, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định các nhà sử học, nhà nghiên cứu các ngành khoa học có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu về giai đoạn lịch sử này. Những bài học lịch sử của giai đoạn lịch sử này có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Tại hội thảo, các nhà khoa học tiếp tục đưa kiến nghị về việc sửa sách giáo khoa viết về chúa Nguyễn và triều Nguyễn, quan tâm hơn đến việc bảo vệ các di sản của hơn ba thế kỷ nhà Nguyễn để lại.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm