Khó “triệt” dạy thêm, học thêm

Tại Hội thảo dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục diễn ra ngày 19-3 tại Hà Nội, một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến bàn luận của các đại biểu là xử lý việc dạy thêm, học thêm.

“Bắt cóc bỏ dĩa”

Bàn về vấn đề này, ông Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, đề xuất nên đẩy mạnh việc tuyên truyền hơn là “lôi nhau ra phạt”. Đánh giá cao các quy định hiện hành về dạy thêm, học thêm đã khá sát thực tế, tuy nhiên ông Thông cho rằng việc xử lý tại cơ sở rất khó khăn, nên đến bây giờ vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. “Cơ chế hiện nay đi đâu cũng phải báo cáo, phối hợp… nên muốn bắt quả tang rất khó” - ông Thông nói.

Đánh giá vấn đề dạy thêm, học thêm đang tràn lan ở nhiều cấp học, ông Nguyễn Tiến Quang, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, đề nghị dự thảo nên bổ sung phần xử phạt đối với giáo viên tiểu học có dạy thêm các môn văn hóa với mức tiền từ 1 triệu đến 5 triệu đồng. Vì theo ông Quang, Thông tư 17 của Bộ quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”. Chính quy định này đã tạo cơ hội cho nhiều cơ sở giáo dục tiểu học lách luật, như xin giấy phép để dạy thêm nghệ thuật, thể dục thể thao nhưng lại lặng lẽ dạy văn hóa.

Khó “triệt” dạy thêm, học thêm ảnh 1

Ông Đỗ Văn Thông, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT

Chưa rõ nhiều nội dung

PGS Trần Ngọc Dũng, Trường ĐH Luật Hà Nội, đề nghị bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi làm văn bằng giả và sử dụng văn bằng giả. “Mỗi năm trường tôi phát hiện 40-45 văn bằng giả ở hệ vừa học vừa làm, việc sử dụng văn bằng giả khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành khác nhau. Có cán bộ đi học văn bằng hai về luật nhưng văn bằng trước đó lại là văn bằng giả (!). Cá biệt có lớp văn bằng giả chiếm 10%” - PGS Dũng nói.

Các đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ cũng kiến nghị việc phân biệt rõ thế nào là hành vi vi phạm hành chính, thế nào là vi phạm kỷ luật, vi phạm quy chế chuyên môn. Bởi có hành vi như chấm bài sai sót có được coi là vi phạm pháp luật, hay chỉ bị điều chỉnh ở hành vi vi phạm kỷ luật trong lĩnh vực giáo dục? Đồng quan điểm này, ông Trần Trí Trung, Phó Trưởng ban Thanh tra, ĐH Quốc gia Hà Nội, đề nghị nên có quy định chung xác định thế nào là vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, vi phạm pháp luật về giáo dục hay vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục.

Hiện tại chỉ có quy định về hồ sơ của giáo viên chủ nhiệm, chưa có quy định hồ sơ của giáo viên bao gồm những cái gì nên quy định phạt giáo viên về việc lên lớp không có hồ sơ là không rõ ràng.

Ông ĐỖ VĂN THÔNG, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình

Điều 20 quy định về việc ngược đãi, hành hạ người học, xâm phạm nhân phẩm, thân thể của nhà giáo. Đây đều là hành vi vi phạm quyền con người, không nên có sự phân biệt, đối với trẻ em thì nhẹ còn người lớn thì nặng hơn.

Ông PHẠM THANH NAM,Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM

Bổ sung nhiều quy định khắc phục hậu quả

Đánh giá mức phạt cũ không cao, chưa thật sự hợp lý, lần này ban soạn thảo đã bổ sung quy định, ngoài việc phạt tiền, các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn đi kèm những hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tùy theo tính chất, mức độ như tước quyền sử dụng quyết định cho phép thành lập, tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, buộc giải thể cơ sở giáo dục hoặc chấm dứt hoạt động giáo dục, buộc hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất các sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị giáo dục đã nhập khẩu trái phép…

Ông NGUYỄN HUY BẰNG, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm