Khi nào công bố chính thức quy chế thi THPT quốc gia 2015?

Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Buổi tọa đàm hôm nay liên quan đến nhiều học sinh đang học lớp 12 muốn thi tuyển ĐH. Chúng tôi sẽ cập nhật những thông tin chính thức, kịp thời cụ thể để mọi người nắm rõ".

 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: PN

Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều đồng tình, ủng hộ quy chế một kỳ thi bởi có hai điểm nổi bật là tiết kiệm ngân sách cùng với cách đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả kỳ thi mở ra cơ hội công bằng và sự lựa chọn ngành nghề tối ưu cho các em học sinh. Có ý kiến còn khen Bộ “giành hết phần khó cho mình, nhường sự sung sướng cho học sinh”.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH quốc gia TP.CM nêu một số băn khoăn về vấn đề kỹ thuật và chính sách của quy chế. Trong đó đáng lưu ý vấn đề thang điểm 10 hay 20. “Chỉ là thói quen chứ bản chất là như nhau. Nên cân nhắc để không gây xáo trộn lớn cho thí sinh”.

Đa số ý kiến đại diện các sở giáo dục và trường phổ thông đều đề nghị giữ nguyên thang điểm 10, không nên áp dụng thang điểm 20 vì học sinh phổ thông đang áp dụng thang điểm 10 và cũng để phù hợp với điểm trung bình ba năm học ở cấp THPT của học sinh.

Về cụm thi, bà Trương Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở GD- ĐT Đồng Nai đề nghị: nên duy trì hai cụm thi song song, một cụm thi chung và một cụm thi dành cho thí sính chỉ lấy kết quả xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản biện lại: như vậy sẽ tạo cảm giác phân biệt hạng thí sinh. Thí sinh ở tỉnh, và thí sinh thi cụm. Điều này là không nên.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu nếu ý kiến: “Từ 30-5, các trường đã kết thúc năm học nhưng đến 1-7 mới thi. Nếu để thí sinh tự học trong một tháng đó thì các thầy cô không thể yên tâm. Tôi đề nghị Bộ cần có văn bản cho các Sở chỉ đạo các trường vẫn tổ chức ôn tập bình thường để học sinh dự ti có kết quả tốt nhất.

Ông Trần Đức Huyên, Phó hiệu trưởng Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đề nghị Bộ cần công bố quy chế chính thức trong thời gian sớm nhất để phụ huynh và thí sinh yên tâm.

Phát biểu “chốt” buổi tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Tất cả những ý kiến tại đây sẽ được tập hợp để nghiên cứu trước khi ban hành quy chế chính thức. Trong 10 ngày đầu tháng 2, Bộ sẽ ban hành Quy chế này.

Ông Luận cũng tạm thời “gút” một số nội dung mà các đại biểu đã đặt ra, theo đó:

Thí sinh nếu có nguyện vọng thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp thì có thể thi tại địa phương, không cần phải về cụm thi.

Đối với thí sinh tự do thì đăng ký thi tại đâu cũng được.

Về cấu trúc đề thi: có khó, có dễ để học sinh mức nào cũng có thể làm được nhằm thực hiện hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Có thể, Bộ sẽ đưa một số vì dụ mô hình về đề thi lên mạng để thí sinh và phụ huynh tham khảo.

Việc xét tuyển ĐH, các trường đều tham gia xét tuyển ở đợt đầu tiên. Chỉ những trường nào còn thiếu thí sinh mới tiếp tục xét tuyển các đợt tiếp theo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm